Có nên lấy tên quận, huyện cũ đặt cho phường, xã mới?

Có nên lấy tên quận, huyện cũ đặt cho phường, xã mới?
2 ngày trướcBài gốc
Liên quan đến việc đặt tên cho các phường, xã mới sau sáp nhập, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng câu hỏi về việc có nên lấy lại tên các huyện cũ hay sử dụng lại những địa danh từng gắn bó với văn hóa, lịch sử của địa phương để đặt tên cho các xã mới sau sáp nhập là một vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Tên gọi của một địa danh là kết tinh của văn hóa, lịch sử, truyền thống và tình cảm của người dân
Không chỉ ở khía cạnh hành chính, mà còn ở chiều sâu của ký ức cộng đồng và bản sắc văn hóa vùng miền.
Theo PGS Bùi Hoài Sơn, đây hoàn toàn là một hướng đi đáng cân nhắc, thậm chí là rất cần thiết trong một số trường hợp. Bởi tên gọi của một địa danh không chỉ là một ký hiệu định vị trên bản đồ, mà còn là kết tinh của bao lớp trầm tích văn hóa, lịch sử, truyền thống và tình cảm của người dân.
Có những địa danh dù đã không còn tồn tại trên danh nghĩa hành chính từ hàng chục năm trước, nhưng trong lòng người dân, cái tên ấy vẫn còn sống động, vẫn được nhắc đến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong những câu chuyện làng, chuyện họ, trong cả những tập tục, phong tục vẫn đang được gìn giữ qua từng thế hệ.
Việc lấy lại tên một huyện cũ hoặc một địa danh truyền thống để đặt tên cho xã mới có thể mang lại nhiều giá trị. Trước hết, đó là cách để tôn vinh lịch sử, để khơi dậy niềm tự hào quê hương trong lòng người dân địa phương. Một cái tên quen thuộc, giàu tính biểu tượng sẽ giúp người dân dễ dàng chấp nhận, dễ gắn bó hơn so với một tên gọi hoàn toàn mới, xa lạ hoặc đơn thuần là sản phẩm của sự "ghép cơ học".
Đây cũng là cách giúp việc sáp nhập diễn ra êm đẹp hơn về mặt tâm lý cộng đồng, khi người dân cảm thấy những gì thuộc về quá khứ của họ không bị gạt bỏ, mà được kế thừa và tôn trọng.
Tuy nhiên, cũng theo PTS Bùi Hoài Sơn, việc này cần được thực hiện một cách cẩn trọng và có chọn lọc. Không phải tên địa danh cũ nào cũng phù hợp để sử dụng lại, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đơn vị hành chính mới có thể bao gồm nhiều vùng đất khác nhau, với những bản sắc riêng biệt.
Việc chọn lại một cái tên từng là trung tâm hoặc biểu tượng của một vùng cụ thể có thể dẫn đến cảm giác "thiên vị", khiến một số cộng đồng khác trong xã mới cảm thấy mình bị "nhập vào", bị mất đi dấu ấn riêng. Vì vậy, nếu lựa chọn phương án này, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về tính đại diện, tính bao quát và mức độ chấp nhận của người dân trong toàn đơn vị hành chính mới.
Mặt khác, cũng có thể linh hoạt trong cách sử dụng tên cũ: Chẳng hạn như không nhất thiết phải lấy nguyên bản mà có thể cải biến đôi chút để phù hợp với hoàn cảnh mới, hoặc chọn những tên gọi mang tính biểu tượng chung, không gắn quá chặt với một địa phương cụ thể nào trong khu vực sáp nhập.
Thậm chí, trong một số trường hợp, việc sử dụng lại tên huyện cũ, vốn từng bao phủ một vùng rộng lớn, nay chỉ còn là xã, cũng có thể gây ra những hiểu lầm hoặc xáo trộn về nhận thức. Do đó, cần có sự giải thích rõ ràng, truyền thông minh bạch và quan trọng nhất là tham vấn ý kiến nhân dân một cách nghiêm túc.
"Theo tôi, điều quan trọng nhất là tên gọi mới - dù lấy lại từ lịch sử hay được sáng tạo mới - phải thể hiện được tinh thần chung của cộng đồng sau sáp nhập: một tinh thần hòa hợp, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng về tương lai.
"Nếu một cái tên vừa gợi nhắc được ký ức văn hóa, vừa mở ra kỳ vọng phát triển, và quan trọng nhất, như tôi luôn nhấn mạnh, là phải được lòng dân, thì đó chính là cái tên xứng đáng để lựa chọn.
Bởi suy cho cùng, tên gọi không chỉ là hình thức, mà là bản sắc, là linh hồn của vùng đất. Nếu được sinh ra từ lòng dân và ký ức chung, thì dù là tên mới hay tên cũ, cái tên ấy vẫn sẽ sống mãi trong tâm thức của cộng đồng, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình kiến tạo tương lai sau sáp nhập" - PGS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Yến Anh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/co-nen-lay-ten-quan-huyen-cu-dat-cho-phuong-xa-moi-196250331110337361.htm