Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội), nhiều người tin rằng nôn sẽ giúp đào thải bớt cồn, từ đó giảm say, nhưng đây là quan niệm sai lầm và có thể gây hại nhiều hơn lợi.
Trong y học, gây nôn là biện pháp được sử dụng có kiểm soát, thường áp dụng trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc hoặc uống nhầm thuốc, chứ không nhằm xử lý tình trạng say rượu. Phương pháp này yêu cầu có sự hướng dẫn chuyên môn để tránh tổn thương vùng họng và các biến chứng hô hấp.
“Khi móc họng không đúng cách, đặc biệt với ngón tay nhọn hoặc móng tay dài, người thực hiện có thể gây xước, đau rát cổ họng, thậm chí làm tổn thương niêm mạc”, bác sĩ Mạnh cảnh báo. Ngoài ra, trong quá trình nôn, dịch dạ dày và thức ăn có thể trào ngược vào khí quản, dẫn tới sặc hoặc ngạt thở.
Nhiều người sau khi uống rượu cố tình móc họng để nôn với hy vọng tống bớt cồn ra khỏi cơ thể. (Ảnh minh họa)
Nếu duy trì thói quen nôn ói sau uống rượu trong thời gian dài, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng như viêm, loét, chảy máu thực quản hoặc rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để tránh say là hạn chế uống rượu, hoặc nếu có uống thì cần chuẩn bị trước. Một số loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể tạo lớp màng giảm tốc độ hấp thu cồn vào máu, từ đó giúp người uống cảm thấy tỉnh táo hơn.
Sau khi uống rượu, bổ sung nước là cách đơn giản và an toàn giúp giảm say. Nên uống từ từ, ưu tiên nước lọc hoặc dung dịch bù điện giải như oresol pha đúng cách. Việc bù nước giúp cơ thể bài tiết nhanh hơn qua đường tiểu, góp phần làm hạ nồng độ cồn trong máu.
Theo bác sĩ, quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, cần nghỉ ngơi, uống nước và theo dõi kỹ các triệu chứng bất thường thay vì cố ép mình nôn.
Như Loan