Giá vàng thế giới có xu hướng giảm mạnh gần đây. Ảnh: Bloomberg.
Trong hai phiên giao dịch 25-26/11, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước đã ghi nhận mức giảm gần 3 triệu đồng/lượng, cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua. Dù quay đầu hồi phục trở lại trong phiên 27/11, mức tăng nhẹ này chưa thể bù đắp được phần đã giảm trước đó.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay cũng đã trượt dốc trong phiên liền trước.
Đánh giá về biến động này, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, chuyên gia phân tích vàng kiêm hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng có nhiều nguyên nhân tác động khiến giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh.
Lý do giá vàng giảm mạnh
Bà Hoa chỉ ra giá vàng trong nước hiện vẫn biến động cùng chiều giá vàng thế giới. Vì thế việc giá vàng trong nước giảm, phần lớn do chịu ảnh hưởng từ biến động giảm mạnh của giá vàng thế giới.
Kể từ đầu tháng 11, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm hơn 250 USD/ounce, tương đương mức giảm ròng gần 10%. Đây cũng là đợt giảm ròng mạnh nhất của kim quý trong vòng 3 năm qua.
Giá vàng thế giới giảm đến từ 5 nguyên nhân chính.
Một là, sự chuyển hướng của dòng tiền đầu tư. Thị trường tài chính Mỹ đã trở nên sôi động hơn khi tuần giao dịch ngắn dịp lễ Tạ ơn bắt đầu. Các nhà đầu tư dần rời bỏ tài sản trú ẩn an toàn như vàng để chuyển sang các tài sản rủi ro như cổ phiếu, nhờ các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã tạo niềm tin vào sự ổn định tài chính tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này làm giảm sức hút của vàng như một tài sản phòng ngừa rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, chuyên gia phân tích vàng kiêm hoạch định tài chính cá nhân Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: NVCC.
Lý do thứ hai là, nhà đầu tư đang dần kỳ vọng tích cực hơn về tình hình địa chính trị toàn cầu. Báo cáo cho thấy Israel và Hezbollah đang tiến gần đến thỏa thuận ngừng bắn, làm dịu tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Vàng, vốn là tài sản trú ẩn trong các tình huống bất ổn, bị giảm nhu cầu do triển vọng hòa bình này.
Nguyên nhân thứ ba là, kết quả bầu cử và triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong đó, chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa đã củng cố sự ổn định tương đối tại thị trường Mỹ. Điều này làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào vàng.
Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng là yếu tố quan trọng làm giá vàng suy yếu. Biên bản họp tháng 11 của Fed mới công bố và các dữ liệu kinh tế cho thấy Fed có thể duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại trong thời gian tới. Điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, khiến vàng giảm sức hấp dẫn.
Cuối cùng, giá vàng giảm đợt này cũng đến từ tính điều chỉnh sau mỗi đợt tăng giá mạnh. Trong tuần trước đó, giá vàng thế giới đã tăng gần 6% khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2023.
Bà Hoa cho biết ngoài tác động từ giá vàng thế giới, cũng có 2 yếu tố tác động khiến giá vàng trong nước giảm thời gian qua.
Đầu tiên là chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và trong nước đã được thu hẹp rất nhiều sau các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ mức hơn 20 triệu đồng/lượng hồi tháng 6 xuống 2-4 triệu đồng/lượng hiện tại.
Yếu tố thứ hai cần nhắc tới là nguồn cung và chính sách điều tiết vàng của cơ quan quản lý. Hiện thị trường vàng trong nước vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ với nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, NHNN đã thực hiện một số chính sách linh hoạt hơn để hỗ trợ điều tiết thị trường, giúp giá vàng theo sát diễn biến thế giới hơn.
Nên mua hay bán vàng?
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, trong ngắn hạn (từ nay đến cuối năm), giá vàng thế giới có thể ghi nhận biến động nhẹ do ảnh hưởng của các yếu tố như chính sách tiền tệ của Fed, nhu cầu vàng truyền thống tại Ấn Độ, Trung Quốc vào dịp năm mới.
Còn tại Việt Nam, thị trường đang trong mùa cưới, nhu cầu về vàng tăng nên cũng sẽ tác động đến giá mặt hàng này.
Thị trường vàng Việt Nam bước vào mùa cưới cao điểm cuối năm. Ảnh: Khương Nguyễn.
Còn về dài hạn (tới quý II/2025) giá vàng được dự báo vẫn đang trong một chu kỳ tăng giá nhưng dư địa để tăng không còn nhiều như các tài sản khác.
“Nếu có kế hoạch tích trữ vàng dài hạn để bảo vệ tài sản trước lạm phát và bất ổn kinh tế, nhà đầu tư có thể mua đều đặn, mua rải theo từng tháng khi có tiền dư. Nếu chỉ có ý định mua vàng để đầu cơ, lướt sóng kiếm lời thì đây không phải tài sản phù hợp", vị chuyên gia khuyến nghị.
Nguyên nhân là các yếu tố kinh tế vĩ mô biến động và chênh lệch giữa giá mua - bán trong nước vẫn ở mức cao.
Giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn, trong giai đoạn hiện nay nhà đầu tư nên ưu tiên chọn vàng nhẫn
Chuyên gia về vàng kiêm hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thị Thanh Hoa
Ngược lại, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời vàng khi tình hình kinh tế có các dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn nửa cuối năm 2025.
Về tỷ trọng vàng trong danh mục tài sản cá nhân, bà Hoa khuyến nghị tài sản này chỉ nên chiếm 5-10% tổng tài sản để đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro.
“Giữa vàng miếng và vàng nhẫn, trong giai đoạn hiện nay nhà đầu tư nên ưu tiên chọn vàng nhẫn vì giá mặt hàng này diễn biến sát với giá vàng thế giới hơn. Trong khi vàng miếng SJC cũng chịu tác động từ giá thế giới nhưng còn chịu tác động từ chính sách quản lý của NHNN”, vị chuyên gia về vàng của FIDT khuyến nghị.
Với mục tiêu tích trữ dài hạn, theo bà Hoa, thời điểm mua vàng không quá quan trọng, có thể áp dụng cách mua thường xuyên và định kỳ (hàng tháng) thay vì chờ giá thấp nhất để tránh tâm lý FOMO. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích khi mua vàng.
"Vì vàng là tài sản trú ẩn, có tác dụng bảo vệ giá trị tiền tệ trong dài hạn, không phải công cụ đầu tư sinh lời nhanh. Việc nhầm lẫn mục đích này dễ dẫn đến các quyết định mua bán thiếu cân nhắc, đặc biệt khi thị trường biến động", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hồng Nhung