Đồng yên đang tăng giá mạnh do được xem là tài sản trú ẩn an toàn
Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa – Trưởng đoàn đàm phán chính của Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc đàm phán vào thứ Tư bằng cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson, với sự xuất hiện bất ngờ của ông Trump.
Mặc dù ông Akazawa đưa ra ít thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận ban đầu, nhưng nói với các phóng viên rằng Trump cho biết việc đạt được thỏa thuận với Nhật Bản là “ưu tiên hàng đầu”. Đặc biệt theo ông Akazawa, vấn đề đồng yên không được đưa vào các cuộc đàm phán hôm thứ Tư.
Nhưng theo các nhà phân tích, các vấn đề về tiền tệ một cách tự nhiên sẽ là một cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Katsunobu Kato với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khi ông đến Washington vào tuần tới để tham dự các cuộc họp của IMF/WB. Bởi ông Trump vào tháng trước đã cáo buộc Tokyo theo đuổi chính sách phá giá đồng yên, mang lại cho Nhật Bản lợi thế thương mại không công bằng.
Citigroup cũng coi Nhật Bản là mục tiêu chính trong trường hợp chính quyền Trump nhắm đến việc phá giá đồng USD một cách có phối hợp để giúp Mỹ cạnh tranh hơn trên toàn cầu, một đề xuất được gọi là “Hiệp định Mar-a-Lago” (ám chỉ đến Hiệp định Plaza và Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida).
Hiệp định Plaza là thỏa ước tài chính được ký ngày 22/9/1985 tại khách sạn Plaza, New York, khi Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp nhất trí với Mỹ để phá giá đồng USD.
“Tại thời điểm này, chúng tôi không coi 'Hiệp định Mar-a-Lago' là một rủi ro cụ thể”, chiến lược gia tiền tệ của Citigroup Osamu Takashima cho biết trong một lưu ý nghiên cứu. Song, “các quốc gia như Nhật Bản, quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn và đồng tiền của họ bị định giá thấp, có xu hướng là mục tiêu trong trường hợp này”, ông cho biết.
Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào về việc đồng USD nên giao dịch ở mức nào so với đồng yên đều rất khó khăn.
Thứ nhất, Nhật Bản cũng có thể bán USD để mua vào đồng nội tệ, nhưng điều đó có nghĩa là phải rút hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ đúng vào thời điểm trái phiếu Kho bạc Mỹ đang rất mong manh.
Không giống như thời điểm Hiệp định Plaza ra đời (năm 1985), hiện các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ gần 15 nghìn tỷ USD nợ của chính phủ Mỹ, vốn được xem là chuẩn mực cho lợi nhuận đầu tư không rủi ro. Thế nhưng sự sụp đổ của trái phiếu Kho bạc sau khi ông Trump áp thuế quan đối ứng đã đặt ra câu hỏi về giả định đó. Mặc dù thị trường trái phiếu Kho bạc đã bình tĩnh trở lại trong tuần này, nhưng tâm lý vẫn rất mong manh.
“Chúng ta phải nhớ rằng Bộ trưởng Tài chính là người bán hàng chính trái phiếu Kho bạc Mỹ", Yunosuke Ikeda - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô của Nomura tại Nhật Bản cho biết và nói thêm: “Cố gắng hạ giá đồng USD sẽ là một chiến lược rất nguy hiểm vào thời điểm này, ngay cả khi Bessent tin vào lợi ích của một đồng tiền yếu hơn trong dài hạn”.
Giải pháp thứ hai là yêu cầu NHTW Nhật Bản tăng tốc độ tăng lãi suất cũng có thể đẩy đồng yên lên. Nhưng điều đó có nguy cơ dập tắt sự phục hồi kinh tế non trẻ của Nhật Bản và chà đạp lên ý tưởng về sự độc lập của NHTW. Chưa kể, chi phí đi vay và lạm phát tăng đều là những điểm đau đối với cử tri, trong khi cuộc bầu cử thượng viện quan trọng đang đến gần vào tháng 7.
“Phía Nhật Bản sẽ nói rằng NHTW Nhật độc lập và họ không cố gắng thao túng tiền tệ”, Shoki Omori - Chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities cho biết. “Rốt cuộc, chúng ta đang trong chu kỳ thắt chặt”.
Chưa kể đồng yên đang tăng giá mạnh do các nhà đầu tư xem đây là tài sản trú ẩn an toàn. Vào giữa năm ngoái, đồng USD có giá trị gần 162 yên lần đầu tiên kể từ năm 1986, giai đoạn sau khi Hiệp định Plaza được ký kết. Tuy nhiên, tuần này, đồng USD đã giảm xuống dưới 142 yên sau một đợt giảm mạnh do lo ngại rằng các chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Hiện các khoản cược đầu cơ vào sức mạnh của đồng yên đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) bắt đầu ghi lại dữ liệu vào năm 1986.
Vì lẽ đó theo các nhà phân tích, ông Trump và ông Bessent có lẽ nên cân nhắc đến tình hình hiện tại trước khi đưa ra bất kỳ yêu cầu mạnh mẽ nào để làm suy yếu đồng USD.
Hà Vy