Có nên thay đổi xem xét danh hiệu giáo viên dạy giỏi?

Có nên thay đổi xem xét danh hiệu giáo viên dạy giỏi?
12 giờ trướcBài gốc
Kỳ thi giáo viên giỏi văn hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp (gọi chung là giáo viên giỏi) theo Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thời điểm này đã triển khai và thực hiện được hơn 5 năm.
Cơ bản về áp lực hội thi giáo viên giỏi đã giảm rất nhiều so với quy định trước đây, qua 5 năm vô số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, nhiều giáo viên đạt danh hiệu cấp huyện, cấp tỉnh vì quy định đạt danh hiệu giáo viên giỏi tương đối thoáng hơn so với trước đây, giáo viên chỉ cần giảng dạy 1 tiết tại đơn vị và trình bày 1 giải pháp nếu đạt là đủ điều kiện để công nhận giáo viên giỏi các cấp.
Có thầy cô nào thi giáo viên giỏi cấp trường bị “rớt” chưa?
Theo Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi các cấp để được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh đối với giáo viên mầm non, phổ thông chủ yếu gồm 2 phần: Trình bày giải pháp và giảng dạy một tiết dạy (hoặc sinh hoạt lớp), nếu đạt cả 2 phần sẽ được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, huyện, tỉnh.
Đối với kỳ thi cấp trường, giáo viên dự thi sẽ trình bày giải pháp và giảng dạy 1 tiết và do ban giám khảo là giáo viên tại đơn vị công tác chấm và đương nhiên giáo viên cùng đơn vị chấm thì không có chuyện chấm đồng nghiệp “rớt”, vừa ảnh hưởng đến tình đoàn kết, vừa ảnh hưởng uy tín của đơn vị,…
Nên thời gian qua, theo tìm hiểu của người viết ở nhiều trường trong hơn 5 năm, mỗi năm đều có thi giáo viên giỏi cấp trường và số lượng giáo viên không đạt là rất ít, đa số dự thi đều đạt.
Các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh thì có khó hơn nhưng vẫn nhẹ nhàng, ít áp lực nên giáo viên đạt rất nhiều, số lượng giáo viên không đạt danh hiệu giỏi rất ít.
Theo ghi nhận của người viết tại đơn vị cấp huyện nơi người viết công tác, mỗi năm có vài chục giáo viên dự thi giáo viên giỏi mỗi cấp học và có năm đạt 100% có năm chỉ “rớt” 1,2 người, tỷ lệ không đạt rất thấp.
Sau 5 năm, 100% giáo viên tại đơn vị người viết công tác hầu hết đã đạt giáo viên giỏi cấp trường, huyện, có người đạt 2,3 danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.
Danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện gần như ai cũng đã có nên giá trị của danh hiệu này không còn cao, không còn dùng danh hiệu này để so sánh giáo viên dạy tốt, phấn đấu cũng như không dùng để tôn vinh giáo viên giỏi.
Giáo viên giỏi nhiều nhưng dạy không giỏi, học sinh học với giáo viên giỏi nhưng vẫn…yếu
Như đã nêu qua 5 năm triển khai quy định giáo viên dạy giỏi theo Thông tư số 22, ở cơ sở giáo dục tìm được một giáo viên chưa đạt danh hiệu giáo viên giỏi là hiếm, “cá biệt”.
Không thể nói giáo viên giỏi không cố gắng, phấn đấu nhưng chỉ trình “diễn” tốt 1 tiết dạy và trình bày 1 giải pháp (chưa chắc giải pháp của mình), để đánh giá giáo viên dạy giỏi năm học hay giáo viên giỏi suốt đời là chưa thật sự thuyết phục.
Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh nhưng kết quả dạy học trên lớp thực tế lại rất thấp, học sinh không hiểu bài. Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh nhưng khi thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông (các kỳ thi đánh giá khách quan) kết quả lại thấp nhất đơn vị.
Một số giáo viên dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh nhưng thực sự công tác quản lý lớp lại rất yếu, nhiều học sinh vi phạm, có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, được tuyên dương hoành tráng, sau đó lại bị kỷ luật vì quản lý lớp yếu kém,…lớp học có nhiều học sinh bị vi phạm nội quy, nền nếp và cả vi phạm pháp luật.
Một số giáo viên sau khi thi và đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp nhưng công việc thường xuyên chậm trễ, thường có nhiều vi phạm, thiếu cố gắng phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ,…
Trong số những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi vẫn có rất nhiều người có nhiều cố gắng trong công tác, học hỏi nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, được sự tín nhiệm của tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Nhưng ngược lại trong số giáo viên giỏi đó lại có nhiều người chưa xứng đáng với danh hiệu giáo viên giỏi đó, nên cần được xem xét lại và đánh giá toàn diện, thấu đáo.
Đánh giá kỳ thi giáo viên giỏi chưa có công cụ hiệu quả, thuyết phục?
Kỳ thi giáo viên giỏi gồm 2 vòng: Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc và thực hành 1 tiết dạy tại nơi đang công tác, nếu đạt cả 2 phần sẽ được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, huyện, tỉnh.
Việc trình bày giải pháp giống như như trình bày sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, việc thực hiện nội dung này phần nhiều giáo viên sao chép và trình bày trước ban giám khảo bằng lời nói, chưa có công cụ đánh giá và không có quy định cụ thể cho việc thực hiện giải pháp, chưa có khuôn mẫu nào cho việc đánh giá việc thực hiện giải pháp này, nên quy định thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu.
Đối với 1 tiết thực hành giảng dạy hoặc tiết chủ nhiệm thì đối với giáo viên giỏi cấp trường do giáo viên tại nơi công tác chấm nên hầu như 100% dự thi và đạt; đối với thi giáo viên cấp huyện, tỉnh thì cũng còn cảm tính, chưa khách quan và vẫn có tình trạng do quen biết, vẫn còn nghi ngờ có tình trạng “chạy” để đạt danh hiệu giáo viên giỏi.
Kiến nghị đổi mới thi giáo viên giỏi từ năm 2025
Từ năm học 2024-2025, toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trong đó có điểm mới đáng chú ý là không còn danh hiệu học sinh giỏi mà chỉ còn học sinh Tốt, khá,…
Không còn danh hiệu học sinh giỏi thì cũng nên nghiên cứu xem xét lại danh hiệu giáo viên giỏi vì nó chưa thật sự phản ánh toàn diện việc giáo viên giỏi thật sự được tín nhiệm và hiệu quả cao.
Nên, người viết cho rằng từ năm học 2025-2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, xem xét đánh giá toàn diện lại việc tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi các cấp, vì thời gian qua kỳ thi này tuy vẫn có một số tác dụng tích cực nhưng còn nhiều bất cập và các kỳ thi tốn rất nhiều kinh phí từ kinh phí tổ chức đến chi phí khen thưởng nhưng tác dụng lại khá hạn chế.
Theo người viết, tốt nhất giai đoạn này nên tạm dừng hội thi giáo viên giỏi để có tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm và có phương án phù hợp.
Nếu vẫn giữ danh hiệu để ghi nhận giáo viên phấn đấu và cố gắng trong công tác thì nên chuyển từ hội thi sang xét danh hiệu giáo viên đạt danh hiệu giáo viên tiêu biểu trong năm học gồm: Phẩm chất tốt (đạo đức, năng lực, ngày công,…); tín nhiệm tốt (tín nhiệm đồng nghiệp, học sinh); tham gia phong trào tốt (tham gia phong trào, có giải pháp tốt để học sinh học tốt) và kết quả đạt tốt (học sinh giỏi, kết quả tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông).
Việc xét danh hiệu giáo viên tiêu biểu này được thực hiện vào cuối mỗi năm học, sau khi kết thúc các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông, tổng kết năm học.
Việc giáo viên đạt danh hiệu này ghi nhận cả quá trình phấn đấu cả một năm học, là kết quả thực chất, không phải chỉ dựa trên 1 tiết dạy nên sẽ đánh giá thực chất, khách quan, không có trường hợp giáo viên vừa đạt danh hiệu giáo viên giỏi lại bị kỷ luật, kiểm điểm do có nhiều sai phạm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Mỹ Tiên
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-nen-thay-doi-xem-xet-danh-hieu-giao-vien-day-gioi-post247748.gd