Đây là một vấn đề cần sự điều phối khéo léo của giảng viên. Một giảng viên giỏi phải có khả năng điều phối lớp học theo cách mà mình mong muốn. Thời nay, lên lớp không còn chỉ là giảng giải liên tục từ đầu đến cuối – điều đó dễ khiến sinh viên nhàm chán. Phương pháp giảng dạy hiện đại đòi hỏi phải áp dụng nhiều hình thức khác nhau để thu hút sự chú ý và khuyến khích sinh viên tham gia.
TS. Vũ Tuấn Anh cho biết, phương pháp giảng dạy hiện đại đòi hỏi phải áp dụng nhiều hình thức khác nhau để thu hút sự chú ý và khuyến khích sinh viên tham gia. Ảnh: Lê Vượng
Hiện tại, tôi gần như không trực tiếp giảng bài nhiều nữa. Thay vào đó, vào cuối buổi, tôi chỉ tổng kết lại những vấn đề sinh viên chưa nắm rõ hoặc cần lưu ý. Còn lại, các hoạt động trong lớp chủ yếu để sinh viên tự tìm hiểu và trình bày. Ví dụ, các em phải tự làm video về những vấn đề quan trọng trong sách, hoặc tìm thêm thông tin trên mạng, sau đó trình bày cho các bạn khác. Sau khi xem video hoặc trình bày xong, các em có thể ôn bài qua các trò chơi, hoặc có thể tự thảo luận và củng cố kiến thức cho nhau. Cách này tạo điều kiện cho sinh viên giảng bài lẫn nhau, và tôi chỉ đóng vai trò chốt lại nội dung và làm rõ những điểm quan trọng.
Tất nhiên, để tổ chức được như vậy cũng phụ thuộc vào cách điều hành lớp học. Ở các lớp sáng tạo, sinh viên thường tự thiết kế những trò chơi thú vị thu hút cả lớp tham gia. Tôi có thể cộng điểm cho những nhóm hoạt động tích cực, sáng tạo. Vai trò của tôi lúc này là người định hướng và điều phối, giúp sinh viên chủ động trong học tập. Không thể phủ nhận rằng công nghệ có thể tác động đến sự tập trung trong lớp. Chẳng hạn, sinh viên có thể đang ngồi học nhưng lại chat với bạn bè hoặc tham gia vào các cuộc trò chuyện khác, gây xao nhãng. Tuy nhiên, trong thời đại này, việc cấm hoàn toàn điện thoại là rất khó; sinh viên luôn có cách để liên lạc với nhau nếu muốn. Điều cốt lõi là nội dung bài giảng của mình có đủ giá trị để sinh viên muốn theo dõi hay không.
"Điều cốt lõi là nội dung bài giảng của mình có đủ giá trị để sinh viên muốn theo dõi hay không". Ảnh: Lê Vượng
Chất lượng sinh viên tại Học viện Ngoại giao, nơi tôi giảng dạy, rất tốt. Các em thật sự có nhu cầu học và rất chăm chỉ. Chẳng hạn, tôi thường phải dành thời gian sửa bài cho sinh viên đến từng chi tiết. Dù đã đưa ra các bình luận chung và hướng dẫn mẫu, các nhóm vẫn mong muốn được tôi góp ý kỹ lưỡng hơn cho từng bài. Điều này cho thấy nhu cầu học tập nghiêm túc của sinh viên, và tôi cố gắng hỗ trợ các em đến đích cuối cùng. Tuy nhiên, ở một số trường khác, nơi chất lượng sinh viên không đồng đều, nhu cầu học tập có thể chỉ dừng ở mức trung bình, nên giảng viên cũng cần có cách ứng xử phù hợp với mức độ này.
Cuối cùng, sự cộng hưởng giữa nhu cầu học tập của sinh viên và nhiệt huyết của giảng viên là yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.
Hiếu Nguyễn (Ghi)