Có những bờ vai hóa thành bầu trời

Có những bờ vai hóa thành bầu trời
4 giờ trướcBài gốc
Một cảnh trong bộ phim tài liệu "Nơi bờ vai hóa thành bầu trời".
Dù chỉ vừa công chiếu, 2 tập của bộ phim tài liệu "Nơi bờ vai hóa thành bầu trời" đã để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc.
Phát sóng nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, trên kênh VTV1 (Đài truyền hình Việt Nam), tác phẩm là lời tri ân gửi đến những người lính không tiếc máu xương, anh dũng bảo vệ Tổ quốc. Phim do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo Báo Phụ nữ Việt Nam sản xuất.
Xuyên suốt bộ phim là sự xuất hiện của những thương binh, bệnh binh và câu chuyện xúc động về gia đình của họ. Có cặp vợ chồng từng gọi nhau là đồng đội trên chiến trường. Có người phụ nữ đã dành cả thanh xuân để chờ người yêu trở về từ bom đạn. Cũng có người, sau khi chiến tranh kết thúc, cảm mến bởi sự hy sinh của người lính nên đem lòng muốn săn sóc trọn đời...
Với ông Cao Văn Thành, vợ vừa là bờ vai, vừa là bầu trời.
"Nơi bờ vai hóa thành bầu trời" bắt đầu bằng câu chuyện của vợ chồng ông Cao Văn Thành và bà Phan Thị Kim Song, trú tại phường Đống Đa, Hà Nội. Ông Thành và bà Song quen nhau vào năm 1969, khi còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).
Vợ tôi vừa là bờ vai, vừa là bầu trời của tôi.
Thương binh Cao Văn Thành
Tháng 5/1972, ông Thành viết đơn xin nhập ngũ, vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Trên đường hành quân, không may một mảnh pháo bắn trúng người khiến mắt ông Thành hỏng hoàn toàn.
Hay tin người yêu bị thương trên đường ra trận, bà Song tưởng chừng như mình đã suy sụp. Nhưng khi lấy lại được tinh thần, bà nói với ông trong sự kiên định: "Em sẽ ở bên anh mãi mãi". Vượt qua những trở ngại, họ đến với nhau và có cô con gái đầu lòng tên là Chung Thủy.
"Vợ tôi vừa là bờ vai, vừa là bầu trời của tôi", ông Cao Văn Thành chia sẻ. Với ông Thành, vợ đã tìm cách xoa dịu nỗi đau sau khi ông trở về từ bom đạn, giúp ông hòa nhập trở lại với cuộc sống và hơn cả, trở thành một chỗ dựa về tâm hồn.
Ông Nguyễn Văn Hai và bà Nguyễn Thị Lành từng là đồng đội chiến đấu giữa "tọa độ lửa" Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Quen biết nhau từ chiến tranh, ông Nguyễn Văn Hai và bà Nguyễn Thị Lành từng trải qua những ngày tháng "nếm mật nằm gai" giữa "tọa độ lửa" Vĩnh Linh, Quảng Trị. Họ đã cùng cầm súng, cùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và khi đất nước độc lập, những người lính anh dũng ấy trở về với cuộc sống đời thường, với vết thương về thể xác và niềm nhung nhớ đồng đội khôn nguôi...
Di chứng của cuộc chiến khiến ông Nguyễn Văn Hai, trú tại xã Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị, lâm vào tai biến. Suốt 20 năm qua, ông sống trong cảnh một tay và một chân bị liệt. Lúc này, bà Nguyễn Thị Lành đã trở thành nơi dựa cho chồng và các con. "Được sống đã là điều may mắn, nên càng phải biết thương yêu và giúp nhau trong cuộc sống", bà Lành trải lòng.
Được sống đã là điều may mắn, nên càng phải biết thương yêu và giúp nhau trong cuộc sống.
Thương binh Nguyễn Thị Lành, vợ của thương binh Nguyễn Văn Hai
Cùng chiến đấu trên mặt trận Vĩnh Linh, vợ chồng ông Phan Văn Minh và bà Nguyễn Thị Lệ Hà, trú tại xã Nam Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, "nên duyên" với nhau sau cuộc chiến. Họ chọn tiến tới hôn nhân dù cả hai đều là thương binh. "Biết rằng sẽ có khó khăn vì anh chỉ còn một mắt, nhưng khi đã yêu thương rồi thì vẫn quyết định gắn bó với nhau", bà Hà nói.
Hậu trường thực hiện bộ phim.
Còn với ông Võ Văn Thanh và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, trú tại phường Hạnh Thông, Thành phố Hồ Chí Minh, việc trở thành vợ chồng như là duyên, là nợ. Trở về từ chiến trường tây-nam Battambang, Campuchia, ông Thanh mất cả hai chân. Dẫu vậy, ông vẫn thấy mình may mắn khi có vợ đồng hành.
Xót xa và cảm phục người lính dũng cảm trên chiến trường, bà Ngọc vẫn quyết định gắn bó với ông Thanh dù có không ít lời ra, tiếng vào. Suốt 10 năm nay, bà thức dậy từ 4 giờ sáng, 1 tuần 3 lần, đưa ông đến bệnh viện để chạy thận. Nhắc về hoàn cảnh của chồng mình, bà Ngọc đỏ hoe mắt vì quá thương ông. Nhìn lại quãng thời gian gắn bó vợ chồng, bà cho rằng, hẳn là vì có duyên, có nợ...
Xuyên suốt bộ phim là sự xuất hiện của những thương binh, bệnh binh và câu chuyện xúc động về gia đình của họ. Có cặp vợ chồng từng gọi nhau là đồng đội trên chiến trường. Có người phụ nữ đã dành cả thanh xuân để chờ người yêu trở về từ bom đạn. Cũng có người, sau khi chiến tranh kết thúc, cảm mến bởi sự hy sinh của người lính nên đem lòng muốn săn sóc trọn đời...
Trong "Nơi bờ vai hóa thành bầu trời", mỗi hoàn cảnh được khắc họa một cách chân thực. Phim không lời bình mà để chính nhân vật và cảm xúc dẫn dắt mạch chuyện.
Đứng sau những thước phim "Nơi bờ vai hóa thành bầu trời", đạo diễn Bùi Minh Hiệp, cho hay: Được giao trách nhiệm thực hiện bộ phim tài liệu này là sự may mắn lớn đối với ê-kip, bởi những nhân vật xuất hiện trong phim đều là những người phi thường giữa cuộc sống đời thường.
"Họ đã không ngại ra trận chiến đấu vì độc lập dân tộc. Kể về số phận của mình, ánh mắt họ vẫn kiên cường và lạc quan với sự chấp nhận cuộc sống thực tại", đạo diễn Bùi Minh Hiệp nói thêm.
CHIÊU ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/co-nhung-bo-vai-hoa-thanh-bau-troi-post896850.html