Anh là nước đầu tiên Mỹ ký thỏa thuận thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với hàng loạt nền kinh tế hôm 2-4, theo hãng tin Reuters.
Theo thỏa thuận này, Washington sẽ giảm thuế đối với xe sang của Anh và dỡ bỏ hoàn toàn thuế thép, nhôm, mặc dù mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa Anh vẫn được duy trì. Anh sẽ mở cửa thị trường cho thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Những nội dung này được chia sẻ trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn thiếu nhiều chi tiết cụ thể, dù ông Trump ca ngợi đây là hình mẫu cho các thỏa thuận với các quốc gia khác như Trung Quốc sau loạt thuế hồi tháng 4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: LE MONDE
Những điểm nổi bật trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh
. Giảm thuế nhập ô tô Anh: Ngành công nghiệp ô tô của Anh là bên hưởng lợi rõ ràng. Ngành này, với khoảng 250.000 lao động tại Anh, trước đó phải đối mặt mức thuế 27,5% trước khi có thông báo mới, theo văn phòng Thủ tướng Starmer.
Theo thỏa thuận được công bố hôm 8-5, thuế xuất khẩu ô tô sẽ được cắt giảm xuống còn 10% cho 100.000 xe đầu tiên xuất khẩu từ Anh sang Mỹ, các xe nhập khẩu sau mốc này sẽ chịu thuế 25%. Con số 100.000 xe gần tương đương với tổng số xe mà Anh đã xuất sang Mỹ trong năm ngoái, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.
Bên trong nhà máy lắp ráp của hãng xe BMW ở TP Oxford (Anh). Ảnh: GETTY IMAGES
. Thép và nhôm: Một bước phát triển quan trọng khác trong thỏa thuận là Mỹ sẽ bỏ mức thuế 25% áp đặt gần đây đối với thép và nhôm do Anh sản xuất, theo chính phủ Anh.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận mới “thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung, tạo ra một liên minh mới về thép và nhôm” nhưng không xác nhận có đưa mức thuế về 0% hay không.
Nhà Trắng chưa phản hồi yêu cầu bình luận về việc có thực sự sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế thép và nhôm đối với London không.
. Nông nghiệp: Ông Trump cho biết thỏa thuận mới sẽ tạo ra cơ hội trị giá 5 tỉ USD cho nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ, bao gồm 700 triệu USD xuất khẩu ethanol và 250 triệu USD xuất khẩu nông sản khác, bao gồm thịt bò.
Hai nước đã nhất trí mở rộng cơ hội xuất khẩu thịt bò của cả hai bên, tạo điều kiện tương hỗ trong việc tiếp cận thị trường nông sản. Theo văn phòng Thủ tướng Anh, Mỹ áp dụng hạn ngạch miễn thuế lên tới 13.000 tấn thịt bò nhập khẩu từ Anh.
Phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins cũng khẳng định thỏa thuận sẽ "tăng cường đáng kể sản lượng xuất khẩu thịt bò của chúng tôi".
Dù Mỹ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường Anh, Phố Downing vẫn nhấn mạnh "không có sự suy giảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Anh" đối với thịt bò nhập khẩu.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ từ lâu đã là điểm gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán thương mại, khi nông dân và người tiêu dùng Anh lo ngại về thịt gà rửa clo và thịt bò chứa hormone từ Mỹ, theo Reuters.
Những điều chưa được giải quyết
Theo Reuters, khả năng áp thuế đối với dược phẩm Anh mà Tổng thống Trump từng cảnh báo không được đề cập trong thỏa thuận này, ngoại trừ cam kết của Nhà Trắng về việc thiết lập "chuỗi cung ứng an toàn cho các sản phẩm dược phẩm" giữa Washington và London.
Chuyên gia Josh Lipsky từ Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: "Điều này cho thấy sau quá trình đàm phán, chỉ những nội dung đã được thống nhất mới được thực thi, chứ không phải các yếu tố mang tính đe dọa".
Một lĩnh vực quan trọng khác chưa được đề cập là dịch vụ kỹ thuật số, trong bối cảnh Nhà Trắng muốn xử lý vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Anh áp dụng đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google và Meta. Thay vào đó, hai nước đã thống nhất hợp tác xây dựng thỏa thuận thương mại số nhằm đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho các doanh nghiệp Anh khi xuất khẩu sang Mỹ.
"Thỏa thuận thương mại 'toàn diện và đầy đủ' giữa Mỹ và Anh do Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Keir Starmer công bố không thực sự toàn diện và đầy đủ như vậy. Như ông Trump đã thừa nhận trong cuộc họp báo, các chi tiết cuối cùng vẫn cần được hoàn thiện trong vài tuần tới” - theo ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics.
Anh đang ở thế khó thương mại?
Theo hãng tin AFP, chính phủ của ông Starmer đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ thương mại mới sau Brexit với Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) mà không nghiêng hẳn về một khối nào để tránh làm phật lòng các đối tác khác.
Theo các nhà kinh tế và một giám đốc điều hành của FTSE 100 (Chỉ số 100 chứng khoán của Financial Times), tác động kinh tế ngay lập tức của thỏa thuận thuế quan có thể sẽ hạn chế, nhưng các thỏa thuận thương mại nói chung sẽ giúp tăng trưởng dài hạn. Tuần này, Anh cũng đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại rủi ro chính trị trong nước. Các cuộc thăm dò cho thấy chính phủ vẫn không được lòng dân, khiến bất kỳ động thái nào nhằm giảm thuế cho các công ty công nghệ đa quốc gia đều tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Từ năm 2020, Anh áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số 2% đối với doanh thu của các nền tảng thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội hoạt động tại đây. Mục đích là để ngăn chặn tình trạng các tập đoàn công nghệ lớn trốn thuế.
Dự kiến, thuế này sẽ mang lại khoảng 800 triệu bảng Anh (1,1 tỉ USD) trong năm nay. Tuy nhiên, các công ty như Google và Amazon đã chuyển gánh nặng chi phí này cho khách hàng thông qua việc tăng phụ phí quảng cáo và phí bán hàng.
"Những thỏa thuận với Mỹ, Ấn Độ và các quốc gia khác sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe kinh tế dài hạn của Anh, nhưng không nên kỳ vọng chúng sẽ mang lại hiệu quả ngay lập tức" - giám đốc điều hành của FTSE 100 (đề nghị không nêu tên) nhận định.
DƯƠNG KHANG