'Có những việc giao Thủ tướng, tưởng quyền to nhưng thực tiễn không phù hợp'

'Có những việc giao Thủ tướng, tưởng quyền to nhưng thực tiễn không phù hợp'
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 12/2, thảo luận tại tổ về dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải tạo dư địa và không gian sáng tạo để các chủ thể liên quan có thể sáng tạo trong điều hành và giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
Phải có không gian sáng tạo, phân cấp, phân quyền nhiều hơn
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, cuộc cách mạng tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức sắp hoàn thành. Trong tháng 2 hoàn thiện tất cả tổ chức bộ máy mới để tháng 3 đưa vào vận hành.
Theo Thủ tướng, bộ máy mới đi vào vận hành sẽ trơn tru, cũng có thể vướng mắc, trục trặc, nhưng vướng thì điều chỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Quốc hội
Nhấn mạnh tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, Thủ tướng cho rằng cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp càng rõ càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Cùng với đó là phân cấp, phân quyền để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Lưu ý, một công việc mà có hai cơ quan cùng làm thì có khi cũng không tốt, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ quan điểm "một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một cơ quan" để rõ trách nhiệm.
Dẫn chứng giai đoạn đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ là cơ quan hành pháp phải ban hành nghị quyết để đưa ra chính sách giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó. Hay như trong siêu bão Yagi năm vừa qua, việc có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, phải có người quyết định. Những vấn đề biến động như vậy cần trao quyền cho cơ quan hành pháp.
“Như tôi phải đứng trước quyết định có phá đập Thác Bà hay không, rất mong manh. Thẩm quyền này là giao Thủ tướng cũng không phù hợp. Người quản lý đê điều là Bộ trưởng Nông nghiệp, phá đập hay không thì giao cho bộ trưởng, chứ giao Thủ tướng tưởng quyền là to nhưng thực tiễn là không phù hợp”, Thủ tướng phân tích.
Theo ông, những trường hợp này chỉ cần bộ trưởng ở đó và chịu trách nhiệm, tại sao lại phải qua cấp trung gian là báo cáo Thủ tướng. Vì vậy khi thiết kế luật phải có không gian sáng tạo, phân cấp, phân quyền nhiều hơn.
Để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt
Nhấn mạnh cuộc sống diễn ra rất nhanh, luật không thể dự báo được, Thủ tướng cho rằng, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện chính sách hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm.
"Cần để không gian cho doanh nghiệp, người dân sáng tạo" Thủ tướng nói và lưu ý và nhấn mạnh đi kèm với đó là phải có chính sách bảo vệ.
Nhờ lại câu chuyện người trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lếu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) quyết định sơ tán tất cả người dân trong cơn bão Yagi, Thủ tướng đặt tình huống: "Nếu trong quá trình di chuyển có chỗ sạt lở mà chết hết cả người dân thì sao?".
"Người dân an toàn thì ông là anh hùng, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển lại vào chỗ sạt lở, người dân bị vùi lấp, ông trưởng thôn sẽ thành tội đồ”, Thủ tướng phân tích thêm và khẳng định cách làm của trưởng thôn là sáng tạo, sẵn sàng chịu trách nhiệm thì luật pháp phải bảo vệ và chấp nhận rủi ro.
Vì vậy theo ông, trong xây dựng pháp luật cần đề ra không gian cho sự sáng tạo và bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa rồi đã đề cập đến việc "phải chấp nhận rủi ro", không truy tố người có dám làm, không vụ lợi.
"Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa. Còn những vấn đề biến động như kinh tế thì nên có khung để Chính phủ làm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý lúc cấp bách, cá biệt. Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và bảo vệ họ, đi cùng chống tiêu cực, lãng phí", Thủ tướng đúc kết.
Thu Hằng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/co-nhung-viec-giao-thu-tuong-tuong-quyen-to-nhung-thuc-tien-khong-phu-hop-2370675.html