Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TPB
CTCK MB (MBS)
Trong quý IV/2024, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB – sàn HOSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 5.121 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi thuần (NII) giảm 12% do biên lãi ròng (NIM) giảm 40 đcb mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt 4,5% so với quý III/2024.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng mạnh 110.8% svck được thúc đẩy bởi thu từ dịch vụ tăng 697%, lãi từ hoạt động đầu tư tăng 2.142% và thu hồi nợ xấu đã xử lý tăng 100%. Chi phí dự phòng giảm mạnh 40% do mức nền cao trong quý IV/2023. Nhờ đó, lợi nhuận ròng trong quý IV/2024 đạt 1.705 tỷ đồng (tăng 245,1%). Cả năm 2024, lợi nhuận ròng của TPB đạt 6.074 tỷ đồng (tăng 36,1% so với năm trước), hoàn thành 103% dự báo của chúng tôi.
NIM trong quý IV/2024 đã giảm 41 đcb so với quý trước, xuống 3,19%. Chúng tôi dự báo NIM sẽ duy trì ổn định trong năm 2025, đạt 3,54% (tăng 3 đcb , thấp hơn 7 đcb so với dự báo trước đó) do TPB vẫn giữ lãi suất cho vay thấp để thu hút khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất khốc liệt giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tín dụng bán lẻ với lợi suất cao hơn sẽ giúp bù đắp tác động từ mặt bằng lãi suất thấp trong năm 2025.
Tính đến cuối quý VI/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPB giảm 80 đcb so với quý trước và 53 đcb, xuống 1,52% – mức thấp nhất kể từ quý I/2023 và thấp hơn mức trung bình của ngành (1,91%). Chúng tôi kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025 nhờ:1) Nền kinh tế phục hồi và hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc; 2) Tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ đã giảm liên tiếp trong 6 quý, giảm 26 đcb theo quý, giúp giảm áp lực nợ xấu gia tăng trong năm 2025. Do đó, chúng tôi dự báo rằng tỷ lệ nợ xấu của TPB sẽ đạt 1,44% trong năm 2025 (giảm 7 đcb )
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan và nâng giá mục tiêu của TPB thêm 5,1% so với dự báo trước đó, nhờ vào 1) điều chỉnh tăng EPS năm 2025/2026 lần lượt 4,4%/4,8% so với dự báo trước và 2) chuyển định giá sang năm 2025. Hiện TPB đang giao dịch ở 1.0x P/B năm 2025, thấp hơn 30% so với mức trung bình 3 năm (1.25x). Chúng tôi tin rằng TPB vẫn là lựa chọn hợp lý với động lực tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm trong giai đoạn 2025-2026, cùng với chất lượng tài sản ở mức tốt nhất trong hai năm qua.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PLX
CTCK Vietcombank (VCBS)
Sự giảm giá liên tục của dầu trong quý III/2024 cùng với ảnh hưởng của bão Yagi tại khu vực phía Bắc, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ xăng, đã khiến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX – sàn HOSE) không đạt kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các yếu tố tiêu cực này sẽ được khắc phục trong năm 2025.
Triển vọng kinh doanh của PLX trong năm 2025 vẫn giữ được đánh giá lạc quan, nhờ vào việc dự thảo Nghị định mới dự kiến sẽ sớm được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân phối xăng dầu, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Đồng thời, biên lợi nhuận sẽ được cải thiện nhờ vào việc điều chỉnh tăng chi phí định mức trong các năm 2023 và 2024, qua đó thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2025.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PLX như trong Báo cáo cập nhật PLX được công bố ngày 14/11/2024, với giá mục tiêu 51.283 đồng/CP (tăng 24% so với giá đóng cửa ngày 12/02/2025).
Luận điểm đầu tư: Triển vọng tích cực nhờ nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam. Các quy định trên thị trường xăng dầu ngày càng trở nên khắt khe hơn, tạo thêm dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp khác trong cùng ngành. Biên lợi nhuận cải thiện khi chi phí định mức được cải thiện từ tháng 7/2024.
Thêm vào đó, những điểm mới của Dự thảo Nghị định (số 4) về kinh doanh xăng dầu có tác động tích cực đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu như PLX; Dự thảo Nghị định mới kỳ vọng sớm được thông qua sẽ có tác động tích cực đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR
CTCK Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi đánh giá triển vọng cơ bản Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR – sàn HOSE) tương đối lạc quan trong năm 2025 dựa trên: (1) Hoạt động kinh doanh sản phẩm cao su tăng trưởng về nhu cầu và giá bán; (2) GVR có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu cho thuê các KCN mới trong các năm tiếp theo, và (3) Lộ trình chuyển đổi hơn 20 nghìn ha đất trồng cao su sang đất KCN, KĐT trong tương lai sẽ giúp công ty ghi nhận lợi nhuận đáng kể từ đền bù đất.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 34.656 đồng/cp, dựa trên triển vọng tích cực của doanh nghiệp trong các năm tới.
Luận điểm đầu tư: Triển vọng tích cực tại các dự án khu công nghiệp mới: Trong giai đoạn cuối năm 2024 đến nay, GVR đã gia tăng mạnh quỹ đất công nghiệp nhờ chính thức nhận chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Bàu Cạn – Tân Hiệp GĐ1 quy mô 1.000ha, KCN Rạch Bắp MR quy mô 360ha, và KCN Bắc Đồng Phú MR quy mô 317ha.
Bên cạnh đó, giá cao su tự nhiên tiếp tục neo cao - giá bán ước tính trên 38 triệu đồng/tấn trong năm 2025, đồng thời sản lượng dự kiến tăng nhẹ, tác động tích cực đến KQKD mảng cao su của GVR.
Ngoài ra, GVR sở hữu trên 20 nghìn ha đất cao su có thể chuyển đổi mục đích sử dụng giai đoạn 2025-2030 với giá đền bù trung bình trên 1 tỷ đồng/ha.
N.T