Trước đó, cổ phiếu nhóm ngành vận tải, cảng biển đã ghi nhận nhiều phiên giao dịch bùng nổ trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hai chữ số.
Tín hiệu tích cực trở lại
Diễn biến tích cực này đến từ kỳ vọng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất di dời đến Việt Nam kéo theo nhu cầu tăng cao hàng hóa xuất khẩu trong năm 2025.
Sau đó, những biến động về chính sách thuế quan đầu tháng 4 đã gây ra “sóng gió”, tạo cản nhất định trong ngắn hạn cho nhóm cổ phiếu này.
Từ phiên 2/4 đến khoảng cuối tháng 4, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp cảng biển giảm mạnh. Có thể kể đến như MVN giảm hơn 25%, GMD giảm hơn 15%, PHP giảm gần 22%, SGP giảm gần 20%... Đây cũng là một trong những nhóm có mức giảm mạnh nhất sàn chứng khoán trước những biến động chính sách về thuế quan.
Việc Mỹ - Trung "đình chiến" tạo “chất xúc tác” cho nhóm cổ phiếu cảng biển khởi sắc trở lại.
Giới phân tích cho rằng, dù có nhiều thuận lợi, nhưng doanh nghiệp cảng và vận tải biển vẫn phải đối mặt với nhiều rủi to.
Với việc ông Trump liên tục áp các mức thuế nhập khẩu đối với các đối tác thương mại của nước này sẽ có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của thương mại toàn cầu. Vì khi mức thuế nhập khẩu hàng hóa tăng lên sẽ dẫn đến giá trị hàng hóa tăng theo và giảm nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia. Việc gia tăng các khoản thuế sẽ khiến các hãng tàu phải xem xét cắt giảm tuyến vận tải đến Mỹ.
Theo CTCP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), triển vọng ngành vận tải biển trong năm 2025 sẽ khá khó lường khi ngoài tác động thuế quan của Tổng thống Trump, tác động của căng thẳng Biển Đỏ, bối cảnh dư cung tàu và thay đổi liên minh hãng tàu sẽ là những nhân tố chính tác động đến triển vọng của ngành và xu hướng giá cước vận tải trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã trở lại từ đầu tháng 5, khi Mỹ chính thức thông báo tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. Đỉnh điểm là việc Mỹ sẽ cắt giảm thuế quan bổ sung áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%, và thuế của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm từ 125% xuống 10%. Các biện pháp mới này có hiệu lực trong 90 ngày, bắt đầu từ ngày 14/5 đã giúp nhóm cổ phiếu vận tải biển ghi nhận sự hồi phục khá tốt.
Vẫn có triển vọng sáng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang cho biết: “Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển gần 800 triệu tấn/năm. Với khả năng thông qua như vậy, với khả năng mà các bến của chúng ta có thể đón được các tàu lớn, tàu 200.000 tấn, thậm chí ở trong miền Nam có thể đón tàu 250.000 tấn và các tàu này đi thẳng vào bờ Tây nước Mỹ, đi châu Âu với giá thành vận tải xếp dỡ của Việt Nam đang thấp hơn sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh”.
Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có vị trí chiến lược trên bản đồ vận tải biển thế giới, đóng vai trò cửa ngõ trung chuyển cho các tuyến Á-Âu nhờ vào địa lý, hạ tầng cảng biển hiện đại và các hiệp định thương mại.
Công ty chứng khoán này cho biết vẫn kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 con số năm 2025 (ở mức 10%). Ngoài ra, FDI những tháng đầu năm 2025 tăng mạnh (tăng 36% so với cùng kỳ) cùng chính sách năng động của Chính phủ là những tín hiệu tích cực.
Việt Nam có 34 cảng biển với hơn 320 bến cảng, bao gồm các cảng nước sâu như Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện. Việt Nam đã đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển, với Cảng Cái Mép-Thị Vải tiếp nhận tàu siêu lớn (240,000 DWT) và Cảng Lạch Huyện xử lý lên đến 12 triệu TEU/năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP và UK-Vietnam FTA, giúp tăng cường luồng hàng hóa và giảm rào cản thương mại. EVFTA đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu, trong khi CPTPP mở rộng thị trường sang Nhật Bản và Canada.
Vị thế tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới của Việt Nam ngày càng cải thiện. Ngoài vai trò trung chuyển, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất xuất khẩu, với hàng hóa như dệt may, điện tử và nông sản được vận chuyển qua cảng để đến châu Âu, châu Mỹ. Điều này không chỉ tăng lưu lượng hàng hóa mà còn làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các hãng tàu lớn như Maersk và MSC mở rộng dịch vụ tại đây.
Năng lực cảng biển của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Dự án Cảng Cần Giờ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển của Việt Nam, được phê duyệt vào đầu năm 2025 và bổ sung vào kế hoạch phát triển đến năm 2030, với tầm nhìn đến 2050.
Ngoài ra, ngành vận tải biển cũng được dự báo duy trì triển vọng tích cực khi WTO ước tính khối lượng thương mại toàn cầu năm 2025 sẽ tăng khoảng 3%, trong đó xuất khẩu từ các nước châu Á có thể tăng 4,7%. Giá cước vận tải đang có xu hướng hồi phục nhờ nhu cầu gia tăng và các yếu tố địa chính trị, giúp các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển hưởng lợi trực tiếp cả về doanh thu lẫn biên lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ - Trung "đình chiến", nhóm cổ phiếu logistics, cảng biển hưởng lợi gián tiếp. Bởi khi thương mại quốc tế phục hồi, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ gia tăng mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cảng biển đang được hưởng lợi rõ rệt từ đà phục hồi thương mại toàn cầu và xu hướng mở rộng hạ tầng logistics trong nước. Các doanh nghiệp như Xếp dỡ Hải An (HAH) đang tích cực nâng cấp đội tàu, ký kết hợp đồng dài hạn, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu đạt khoảng 22% trong năm 2025. Gemadept tiếp tục mở rộng công suất khai thác, nâng cao hiệu quả vận hành và giữ vững vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics.
Đáng chú ý, Viconship (VSC) liên tục mua vào hàng triệu cổ phiếu HAH, nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp lên 7,45%. Nếu tính cả 2 công ty con, tổng tỷ lệ sở hữu tại Xếp dỡ Hải An đạt 8,53%.
Dữ liệu của hãng dịch vụ vận tải biển Alphaliner (Pháp) cho thấy Xếp dỡ Hải An hiện đang nằm trong TOP 100 đội tàu container lớn nhất thế giới.
Ban lãnh đạo Viconship đánh giá Xếp dỡ Hải An và Vinaship (VNA, công ty con của VIMC) là các mắt xích quan trọng giúp Viconship hoàn thiện chuỗi cung ứng. Viconship đang nắm 40% vốn Vinaship sau thương vụ từ năm ngoái.
Không chỉ vậy, cổ phiếu VSC còn là hiện tượng đáng chú ý trên sàn chứng khoán thời gian qua khi tăng dựng đứng trong nhiều phiên liên tiếp. Cổ phiếu này đã bật tăng mạnh từ đầu tháng 4, từ vùng 14.000 đồng/cp lên hơn 24.000 đồng/cp vào ngày 6/5, tương đương mức tăng khoảng 75% và là đỉnh cao nhất kể từ năm 2022.
Hải Giang