Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên ban đầu là cơ sở phát hành phim và chiếu bóng Gia Lai, được thành lập năm 1978. Năm 2004, doanh nghiệp này được cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Văn hóa du lịch Gia Lai - Gia Lai CTC, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, thương mại, nhà sách...
Năm 2008, doanh nghiệp lên sàn giao dịch chứng khoán HNX với mã CTC. Sau đó với hai lần đổi tên, lần gần nhất vào tháng 4/2021, họ lấy tên gọi chính thức là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên và được dùng tới hiện nay.
Tre Xanh Plaza tại số 18 Lê Lai, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (Ảnh: CTC)
Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên đang vận hành Tre Xanh Plaza, một khu phức hợp bao gồm khách sạn, quán cà phê và nhà hàng, cùng với Công viên Đồng Xanh và một số nhà hàng khác nổi tiếng tại tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tích cực tham gia vào xuất bản sách và cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Những năm trở lại đây, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên gần như biến mất khỏi thương trường. Thậm chí, sau 16 năm, cổ phiếu CTC của doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Cụ thể, HNX cho biết, theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu CTC nhiều khả năng sẽ phải rời sàn trong thời gian tới, với lý do "Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" và "Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng".
HNX đề nghị Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên có văn bản phản hồi về 2 vấn đề nêu trên chậm nhất đến hết tuần sau (27/12). Được biết, cổ phiếu CTC đang trong diện cảnh báo, kiểm soát và hạn chế giao dịch. Đã hơn 1 năm qua, mã chứng khoán này không xuất hiện bất cứ giao dịch nào, nằm bất động tại mức giá 1.300 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động kinh doanh của họ cũng cho thấy nhiều tín hiệu "đóng băng". Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên ghi nhận hơn 950 triệu đồng doanh thu, giảm mạnh 90% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ trên 4,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, lỗ lũy kế của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên lên tới 57,5 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cấu trúc tài sản, khôi phục hoạt động kinh doanh dẫn đến khối dịch vụ nhà hàng, khách sạn không có doanh thu. Do không phát sinh doanh thu, các khoản chi phí cũng giảm nên lỗ giảm hơn cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên hơn 223 tỷ đồng, phần lớn nằm ở tài sản cố định, hàng tồn kho và các khoản phải thu, lượng tiền mặt chỉ 16 triệu đồng. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 118 tỷ đồng, riêng vay nợ tài chính hơn 48 tỷ đồng vay.
Đáng chú ý, hồi đầu năm 2024, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên thuộc diện những doanh nghiệp nợ thuế "chây ì" nhất của tỉnh Gia Lai. Theo Cục thuế tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 31/12/2023, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp gần 14 tỷ đồng.
Vậy nhưng, Cục thuế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế theo quy định và đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước... Đây là nguyên nhân Cục thuế đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai thực hiện biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên.
Ngọc Anh