Từ vùng giá 4.000-5.000 đồng/cp, cổ phiếu CTP bắt đầu bật tăng mạnh từ đầu tháng 5/2024 lên vùng đỉnh 43.000 đồng/cp thiết lập vào giữa tháng 9 vừa qua, tức gấp hơn 10 lần sau 4 tháng. Sau đó, thị giá bắt đầu điều chỉnh.
Hiện, cổ phiếu CTP dao động quanh 31.000 đồng/cp, thấp hơn 26% kể từ mức đỉnh nêu trên. Nếu tính từ đầu năm, thị giá CTP đã chứng kiến mức tăng gần 600%.
Tính từ đầu năm, thị giá CTP đã chứng kiến mức tăng gần 600%.
Diễn biến thăng hoa của cổ phiếu CTP đi kèm với quá trình đổi chủ. Cổ đông lớn lâu năm của công ty và cũng là cựu Chủ tịch HĐQT – ông Nguyễn Tuấn Thành thoái vốn và từ nhiệm. Tính đến giữa tháng 9, ông Thành đã bán hết toàn bộ cổ phiếu CTP, giảm sở hữu từ 23,76% về 0. Đồng thời, ông Lê Minh Tuấn, Tổng Giám đốc bán thành công 1,66% cổ phần, không còn sở hữu cổ phiếu nào.
Mới đây, Hòa Bình Takara công bố nhận được đơn từ nhiệm của Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn vào ngày 13/12/2024.
Ông Lê Minh Tuấn xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của công ty kể từ ngày 1/2/2025. Nguyên nhân do sức khỏe không cho phép nên không thể đảm đương trách nhiệm Tổng Giám đốc công ty. Đồng thời, từ tháng 10 đến nay, ông Tuấn cho biết không còn được phân công phụ trách công tác điều hành hoạt động của Hòa Bình Takara.
Trước đó, vị này cũng đã được miễn nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT của Hòa Bình Takara sau khi có đơn từ nhiệm vào hồi cuối tháng 10.
Nhân tố mới lộ diện là ông Trần Công Thành khi mua vào 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương 9,09% vốn CTP trong tháng 9 và 10.
Bên cạnh đó, dàn nhân sự cấp cao của Hòa Bình Takara cũng chứng kiến nhiều biến động. Mới nhất, toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát được thay mới toàn bộ tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 26/10 vừa qua.
HĐQT công ty được kiện toàn với ông Trần Công Thành làm Chủ tịch HĐQT, các thành viên gồm ông Dương Văn Tịnh, bà Nguyễn Thị Minh Loan, ông Đào Văn Minh và ông Nguyễn Hải Quân (thành viên độc lập). Ban kiểm soát bao gồm ông Trần Mạnh Linh – Trưởng Ban, và các thành viên gồm bà Nguyễn Thị Trang, bà Hồ Thị Bảo Ngọc.
Việc lãnh đạo Hòa Bình Takara muốn rời “ghế nóng” diễn ra giữa lúc doanh nghiệp đang lên kế hoạch triển khai chào bán riêng lẻ cổ phiếu. Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 10 đã thông qua việc công ty dự kiến tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành 2.056.998 cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 17%, qua đó vốn điều lệ dự kiến nâng từ 120 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2023. Thời gian thực hiện phát hành trong năm 2024 sau khi UBCKNN nhận được đầy đủ tài liệu.
Thêm vào đó, công ty dự kiến chào bán 24.000.000 cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 20.000 đồng/cp nâng vốn lên 380 tỷ đồng. Phương án chào bán riêng lẻ sẽ được thực hiện sau khi công ty thực hiện quyền phân phối cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu.
Được biết, theo giấy chứng nhận doanh nghiệp mới nhất, Hòa Bình Takara là tên mới của CTCP Minh Khang Capital Traing Public, có hiệu lực từ 19/11/2024. Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường hồi cuối tháng 10 cũng đã được cổ đông thông qua việc đổi tên công ty thành Hòa Bình Takara như hiện tại.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2024 , Hòa Bình Takara ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng trưởng 342% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận 627 triệu đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp này báo lãi trước thuế quý III/2024 gần 500 triệu đồng, cải thiện so với khoản lỗ hơn trăm triệu đồng trong quý III/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế mang về 347 triệu đồng, tăng 31% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái.
Theo BCTC đã kiểm toán nửa đầu năm 2024, Hòa Bình Takara chỉ có 3 nhân viên. Đáng chú ý, số lượng nhân viên ít ỏi của doanh nghiệp này đã duy trì nhiều năm trở lại đây. Thậm chí, hồi đầu năm 2022, doanh nghiệp chỉ ghi nhận vỏn vẹn 2 nhân viên. Đến đầu năm 2023, số nhân viên của Hòa Bình Takara tăng thêm 1 người và duy trì cho tới nay.
Châu Anh