Phiên giao dịch ngày 27/5 chứng kiến sự bứt phá của hàng loạt mã cổ phiếu thuộc ngành dệt may. Hàng loạt mã tăng kịch trần hoặc đạt mức tăng cao, tiếp nối xu hướng tích cực từ phiên trước đó.
Đáng chú ý nhất là mã TCM (Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công) với mức tăng 6,96%, HTG (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ) cũng tăng trần 6,9%. VGT (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) tăng 6,14%, trong khi VGG (Tổng Công ty May Việt Tiến) tăng 5,95%. Các mã khác tuy tăng nhẹ hơn nhưng vẫn ghi nhận sự khởi sắc rõ nét, như M10 tăng 1,84% và GIL tăng 0,58%.
Không chỉ tăng về giá, thanh khoản tại một số mã cũng cho thấy dấu hiệu sôi động. Cụ thể, VGT đóng cửa ở mức 12.100 đồng/cổ phiếu với hơn 2 triệu đơn vị được giao dịch, dù giảm một nửa so với hôm trước, nhưng vẫn gấp 5-6 lần mức trung bình những ngày trước đó. Trước đó, trong phiên liền kề, VGT đã bật tăng tới 14,71%.
TCM ghi nhận khối lượng giao dịch lên tới 4,4 triệu cổ phiếu, chốt phiên ở mức 34.600 đồng/cổ phiếu. Phiên hôm trước, mã này cũng tăng trần với biên độ 6,694%, đạt khối lượng 3,9 triệu đơn vị, một con số đáng chú ý nếu so với mức giao dịch bình quân trước đó.
Diễn biến cổ phiếu TCM trong phiên giao dịch ngày hôm nay
Tương tự, VGG tăng lên 46.300 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt 12.000 cổ phiếu. Dù thấp hơn hôm trước (với gần 38.700 cổ phiếu), nhưng so với trước đó thì vẫn cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, HTG cũng tiếp tục xu hướng tích cực khi đạt 44.150 đồng/cổ phiếu với gần 84.400 cổ phiếu được trao tay, sau khi vừa có một phiên tăng mạnh cả về giá lẫn thanh khoản.
Điểm nhấn đặc biệt giúp nhóm dệt may thăng hoa trong hai phiên gần nhất chính là tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Reuters, trước khi bước lên chuyên cơ Không lực Một tại New Jersey, ông Trump đã bất ngờ chia sẻ rằng nước Mỹ không cần thiết phải phát triển một ngành công nghiệp dệt may mạnh mẽ trong nước.
Ông nói: "Chúng tôi không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông. Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự, trí tuệ nhân tạo, chip, máy tính, xe tăng và tàu chiến. Thành thật mà nói, tôi không muốn sản xuất áo phông hay tất. Chúng tôi có thể làm điều đó rất tốt ở những địa điểm khác".
Tuyên bố trên không chỉ thể hiện định hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao của Mỹ, mà còn gián tiếp mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, trong đó có Việt Nam. Khi Mỹ muốn dịch chuyển các ngành công nghiệp mang tính truyền thống như dệt may ra khỏi lãnh thổ, những nước có lợi thế nhân công và chuỗi cung ứng như Việt Nam có thể là điểm đến lý tưởng cho các đơn hàng mới.
Hiện tại, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Do đó, bất kỳ động thái nào từ phía Washington liên quan đến chính sách thương mại đều tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 3,07 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 11,76 tỷ USD, tăng tới 12,8%, tương đương tăng thêm 1,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh ngành dệt may toàn cầu chịu sức ép từ chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác như Bangladesh hay Ấn Độ, tuyên bố “không mặn mà” với dệt may của ông Trump được xem là một cơ hội vàng cho Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu vào Mỹ.
Với những diễn biến hiện tại, thị trường chứng khoán đang cho thấy phản ứng rất nhạy bén trước các tín hiệu từ quốc tế. Và rõ ràng, giới đầu tư không bỏ lỡ cơ hội khi dòng vốn đang tiếp tục chảy mạnh vào những cổ phiếu có triển vọng hưởng lợi trực tiếp, như dệt may. Nếu xu hướng này tiếp diễn, nhóm ngành này có thể tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong ngắn hạn.
Thiên Ân