Sàn HoSE chỉ ghi nhận duy nhất cổ phiếu của CTCP Bao bì Biên Hòa tăng trần trong ngày VN-Index giảm gần 80 điểm. Ảnh: Phương Lâm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhuộm đỏ khi VN-Index lao dốc 77,88 điểm, tương đương mức giảm 6,4%, về 1.132,79 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng "bốc hơi" 15,93 điểm (-7,3%) xuống 201,04 điểm; UPCoM-Index cũng không thoát khỏi xu hướng chung, mất 6,63 điểm (-7,3%) còn 84,5 điểm.
Chỉ trong 3 phiên gần nhất, tổng vốn hóa trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD. Trên bảng điện tử, sắc xanh lá (cổ phiếu tăng giá) gần như biến mất. Toàn thị trường có tới 859 mã giảm (431 mã giảm sàn), 669 mã đứng giá và chỉ le lói 82 mã tăng với vỏn vẹn 14 mã tăng trần.
Trên sàn HoSE, phiên 8/4, ghi nhận duy nhất cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa tăng trần.
SVI là cổ phiếu với thanh khoản giao dịch tương đối “nhỏ giọt”, thậm chí nhiều phiên không ghi nhận thanh khoản. Trong phiên hôm nay, cũng chỉ có 4.500 cổ phiếu SVI khớp lệnh giao dịch với giá trị khoảng 250 triệu đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp sản xuất này rất cô đặc. Sau thương vụ thâu tóm vào năm 2020, công ty con của Tập đoàn SCG (Thái Lan) là TCG Solutions (Singapore) đang nắm hơn 94% vốn tại Bao bì Biên Hòa.
CTCP Bao bì Biên Hòa tiền thân là Nhà máy Bao bì Biên Hòa, là xưởng sản xuất bao bì đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 1968. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giấy, bìa, bao bì từ giấy và bìa…
Trong khi đó, trên sàn HNX, phiên 8/4 ghi nhận chỉ 5 cổ phiếu tăng trần, bao gồm SHN, THB, HKT, VE1, V12 và PGT. Điểm chung của những cổ phiếu này là đều có thanh khoản thấp, điển hình như SHN, THB hay HKT chỉ ghi nhận giá trị giao dịch 1-3 triệu đồng trong phiên.
Tương tự, sàn UPCoM có 8 mã tăng trần, gồm DNM, NAS, HU6, TR1, ILC, TLI, UCT, VIE.
Trong đó, nổi bật nhất là cổ phiếu NAS của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài - Nasco. Bất chấp diễn biến tiêu cực của toàn thị trường, NAS đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, nâng thị giá và vốn hóa lên tương ứng 44.600 đồng/cổ phiếu và 370 tỷ đồng.
Chỉ hơn 500 cổ phiếu NAS được giao dịch trong phiên 8/4. Ảnh: TradingView.
Nasco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước mang tên Công ty Dịch vụ Cụm cảng Hàng không sân bay miền Bắc, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/1993.
Nasco cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mặt đất tại sân bay Nội Bài như vận chuyển hành khách, dịch vụ phòng chờ hạng thương gia, dịch vụ suất ăn hàng không.
Nhà hàng Nasco ở trung tâm khu vực công cộng tầng 4 Nhà ga T1 có thể phục vụ đồng thời 150 khách.
Ngoài ra, đơn vị này còn kinh doanh hàng miễn thuế, cửa hàng bán lẻ trong sân bay, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản Việt Nam, quà lưu niệm và thời trang.
Hiện Nasco đang là công ty con của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 51%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn một số cổ đông lớn khác là Taseco Group với hơn 6% cổ phần. Hồi tháng 7/2024, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã trở thành cổ đông lớn tại Nasco khi sở hữu hơn 10% cổ phần.
Minh Khánh