Cổ phiếu họ Mobifone bất ngờ 'dựng cột'

Cổ phiếu họ Mobifone bất ngờ 'dựng cột'
7 giờ trướcBài gốc
Nhà Mobifone bắt đầu "nổi sóng"?
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần đã ghi nhận diễn biến nổi bật với cú bứt phá đầy bất ngờ của cổ phiếu Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (Mobifone Service, mã chứng khoán: MFS), niêm yết trên sàn UPCoM.
Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu MFS tăng kịch trần (+14,96%), đạt mức giá 42.500 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 6 tháng qua, kể từ tháng 7 năm ngoái.
Sự bùng nổ của cổ phiếu MFS không chỉ thể hiện qua mức tăng giá mà còn ở khối lượng giao dịch đột biến. Với hơn 753 nghìn đơn vị được sang tay trong phiên, đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ khi cổ phiếu MFS được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Phiên 13/1 ghi nhận mức thanh khoản cao nhất kể từ khi cổ phiếu MFS được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Trading view.
Được biết, sự tăng trưởng bất ngờ của cổ phiếu MFS trong phiên 13/1 xảy ra trong bối cảnh Tổng công ty Viễn thông Mobifone có thể sẽ được chuyển giao về Bộ Công an quản lý theo phương án vừa được Bộ Nội vụ trình lên Chính phủ.
Hiện tại, Mobifone đang trực thuộc sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kế hoạch sắp xếp và tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban này sẽ chấm dứt hoạt động, đồng thời chuyển quyền và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn và tổng công ty lớn về các bộ, ngành liên quan.
Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Nội vụ đề xuất chuyển Mobifone về Bộ Công an quản lý. Đồng thời, tổ chức Đảng của Tổng công ty này cũng được đề xuất chuyển trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương.
Mobifone được thành lập vào năm 1993, với tên gọi ban đầu là Công ty Thông tin Di động (VMS), trở thành nhà mạng viễn thông di động đầu tiên tại Việt Nam. Đến tháng 12/2014, doanh nghiệp này được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông Mobifone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó, vào tháng 11/2018, MobiFone được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hiện nay, Mobifone là một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và nội dung số, với hơn 30% thị phần. Tổng công ty này đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi thành tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam, tập trung vào phát triển công nghệ và các dịch vụ số tiên tiến.
Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone làm ăn ra sao?
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (Mobifone Service, MFS) được thành lập vào năm 2008 với sự góp vốn từ 5 cổ đông sáng lập lớn: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty TNHH Thiên Việt, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), và Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông (TST).
Mobifone Service chuyên cung cấp các dịch vụ tổng đài như trả lời và chăm sóc khách hàng qua điện thoại, cùng với dịch vụ cho thuê trạm phát sóng.
Hiện tại, Mobifone Service có vốn điều lệ hơn 70 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Viễn thông Mobifone là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 31,26% vốn.
Tổng công ty Viễn thông Mobifone là cổ đông lớn nhất của MFS. Ảnh: Mobifone.
Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2018-2023, Mobifone Service duy trì doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, với lợi nhuận ròng dao động trong khoảng 20-30 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của công ty đã suy giảm trong 3 năm gần nhất, khi mỗi năm đều ghi nhận mức lãi thấp hơn năm trước.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Mobifone Service đạt 257 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 140 tỷ đồng, còn khoản phải thu đạt 107 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong cấu trúc tài chính của công ty là không có nợ vay, thể hiện sự an toàn về tài chính.
Năm 2024, Mobifone Service đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt hơn 395 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 15 tỷ đồng, giảm 26%.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định năm 2024 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự suy giảm doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi và chi phí nhân công tăng cao do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Trong trường hợp không đạt được kế hoạch, công ty kỳ vọng vẫn có thể đạt lợi nhuận tối thiểu 12,5 tỷ đồng sau thuế.
Thanh Thắng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/co-phieu-ho-mobifone-bat-ngo-dung-cot-192250113154909632.htm