Nhận định đầu tư
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Sau 3 phiên tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co của VN-Index, sự xuất hiện của một phiên phân phối khối lượng lớn với mẫu nến thân đặc đỏ dài giảm về cuối phiên, xóa bỏ hoàn toàn số điểm đạt được của 3 phiên trước đó, có thể cảnh báo cho sự hình thành của vùng đỉnh ngắn hạn.
Diễn biến này phần nào cho thấy sự chưa ổn định của các nhịp biến động ngắn hạn, khi mà về tổng thể, chỉ số vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang chủ đạo. Mặc dù vậy, trong các nhịp đi ngang, vẫn có không ít các mã cổ phiếu riêng lẻ duy trì được xu hướng tăng tích cực và đây sẽ là nhóm giúp hãm lại đà giảm của thị trường.
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 10/2 (Nguồn: FireAnt).
Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Khuyến nghị thận trọng cho phiên giao dịch 11/2 với dự báo thị trường có thể phải lùi về các mốc hỗ trợ gần nhất để cân bằng lại trước khi có sự vận động tăng tiếp tục.
Mốc hỗ trợ gần nhất được xác định tại MA 10 và MA 20 của chỉ số VN-Index lần lượt tại 1.261 điểm và 1.251 điểm. Trong trường hợp các mốc hỗ trợ này phát huy tác dụng thì xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường không bị vi phạm. Trong trường hợp các mức hỗ trợ này không có tác dụng, vùng hỗ trợ 1.232 - 1.234 điểm cần được thêm vào kịch bản giao dịch kế tiếp.
Chứng khoán Đông Á (DAS): Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giữ vai trò chính trong việc xác định xu hướng chung cho thị trường, với kết quả kinh doanh năm 2024 nổi trội hơn mặt bằng chung, điển hình như CTG, STB và LPB có tỉ lệ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2024 ở mức cao, là nhóm được các công ty chứng khoán khuyến nghị cho danh mục đầu tư trung dài hạn.
Nhà đầu tư có thể chốt lời các vị thế ngắn hạn, tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư trung dài hạn với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, hóa chất và nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Khuyến nghị đầu tư
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào ngày 10/2 (theo giờ Mỹ) sẽ công bố mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này cao hơn thuế kim loại nhập khẩu vào Mỹ hiện nay, đánh dấu một bước leo thang lớn khác trong cuộc cải tổ chính sách thương mại của ông Trump.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ công bố mức thuế đối ứng tương đương với mức mà các đối tác thương mại áp dụng cho hàng hóa nhập từ Mỹ trong ngày 11 - 12/2 và sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức.
Đánh giá về tác động của chính sách áp thuế của Mỹ lên một số cổ phiếu thép, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp.
Nguyên nhân do tỉ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, nhìn chung doanh thu xuất khẩu thị trường Mỹ chiếm 1,5-3,0% tổng doanh thu của HPG.
Thực tế, Hòa Phát xuất khẩu thép xây dựng, thép chất lượng cao để làm thép rút dây, lõi que hàn sang 30 quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Srilanka. Với thép xây dựng, tập đoàn xuất khẩu ra Đông Nam Á là chính. Còn thị trường xuất khẩu chính của HRC của Hòa Phát là EU, Mỹ, Đông Nam Á, Mexico.
Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) và CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) là 2 đối tác lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) lớn của Hòa Phát, đồng thời có tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao – gặp khó khăn về thuế quan dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.
Đối với sản phẩm tôn mạ, ACBS đánh giá NKG chịu tác động lớn hơn HSG vì tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của HSG, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa, HSG và NKG vừa được hưởng lợi từ việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng lại có thể gặp bất lợi nếu sắp tới, Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Đối với Tôn Đông Á (mã GDA), theo ước tính của VCBS, EU và Mỹ chiếm gần 80% tiêu thụ của Tôn Đông Á vì vậy các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, đội ngũ phân tích phân tích cho rằng rủi ro chính của Tôn Đông Á tới từ việc tiêu thụ quá tập trung vào Mỹ và EU và duy trì tỉ trọng kênh xuất khẩu quá lớn trên tổng tiêu thụ của doanh nghiệp (trên 65% tiêu thụ tôn mạ tới từ kênh xuất khẩu - so với mức 40-50% của HSG và NKG).
Trần Thị Tú Anh