Định giá P/B các doanh nghiệp Khu công nghiệp điều chỉnh về dưới trung bình 5 năm trung bình Ngành.
Biến động ngắn hạn dưới tác động của chính sách thuế
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có thặng dư thương mại lớn, với Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất (lên đến 46%), dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của ngành khu công nghiệp.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tốc độ chào thuê đất tại các khu công nghiệp đang chậm lại do nhiều doanh nghiệp FDI tạm hoãn kế hoạch mở rộng đầu tư. Điều này tác động mạnh đến nhóm doanh nghiệp có doanh thu lớn từ mảng cho thuê khu công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu theo hình thức "một lần" như Kinh Bắc City (HOSE: KBC), Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC), Tổng Công ty Viglacera (HOSE: VGC) và CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC). Các doanh nghiệp này đang ghi nhận tỷ lệ doanh thu đến từ Khu công nghiệp dao động từ 28% đến 88%.
Dưới góc độ tài chính, BVSC đã hạ dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2025 cho một số doanh nghiệp tiêu biểu: KBC giảm 25,5%, IDC giảm 13,1%, SZC giảm 20,7%. Tương ứng, giá mục tiêu cổ phiếu cũng bị điều chỉnh theo chiều giảm, như IDC (-19,2%) và SZC (-16,4%).
Đáng chú ý, một số tập đoàn lớn như LG đã tạm dừng các kế hoạch đầu tư mở rộng tại TP. Hải Phòng, cho thấy xu hướng thận trọng lan rộng trong các nhà đầu tư chiến lược. Đây là yếu tố tạo áp lực ngắn hạn đáng kể lên giá cổ phiếu ngành khu công nghiệp trong giai đoạn hiện tại.
BVSC giữ quan điểm trung lập trong ngắn hạn, do ảnh hưởng của chính sách thuế và tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong trung – dài hạn, ngành khu công nghiệp vẫn có triển vọng tích cực nhờ cấu trúc FDI bền vững, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam và định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn.
Kỳ vọng dài hạn từ cấu trúc FDI và định giá hấp dẫn
Mặc dù đối mặt khó khăn trong ngắn hạn, các chuyên gia BVSC cho rằng nền tảng dài hạn của ngành khu công nghiệp Việt Nam vẫn vững chắc nhờ lợi thế cạnh tranh mang tính chiến lược.
Nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Apple, Foxconn, Luxshare, Goertek vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, do nước ta đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghệ cao. Trong khi đó, các ngành chịu thuế cao hơn như dệt may, da giày đang có xu hướng dịch chuyển một phần sang các quốc gia chi phí thấp hơn như Ấn Độ hay Bangladesh.
Tuy vậy, thay vì rút lui hoàn toàn, phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hiện diện tại Việt Nam để phục vụ các dòng sản phẩm ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế. Hành động này cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược đa dạng hóa rủi ro, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam là mắt xích khó thay thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Từ góc nhìn đầu tư, định giá cổ phiếu ngành khu công nghiệp hiện đang ở mức hấp dẫn. Hầu hết mã cổ phiếu đang giao dịch dưới P/B trung bình 5 năm, một số thậm chí đã quay về vùng giá thấp như năm 2020, giai đoạn cao trào của đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn tích lũy những cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt.
BVSC đánh giá tích cực nhóm cổ phiếu có tỷ lệ doanh thu khu công nghiệp thấp, dòng tiền ổn định như SIP, DPR, PHR – được khuyến nghị từ trung lập (NEUTRAL) đến mua vào (BUY). Nhóm này có lợi thế là ít chịu tác động trong ngắn hạn, duy trì cổ tức đều đặn, nợ vay thấp.
Trong khi đó, các mã như KBC, IDC, SZC, dù chịu áp lực nhất thời, vẫn là những lựa chọn tiềm năng nếu dòng vốn FDI phục hồi. Đặc biệt, IDC và SZC sở hữu các khu công nghiệp có vị trí chiến lược gần cảng biển và cao tốc, phù hợp phát triển các ngành logistics và năng lượng - hai lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới.
Theo BVSC, chiến lược đầu tư phù hợp là ưu tiên các mã có nền tảng tài chính mạnh, ít biến động, đồng thời theo dõi sát các cổ phiếu hưởng lợi từ sự phục hồi dòng vốn FDI để tích lũy dần cho chu kỳ tăng trưởng mới, dự kiến từ năm 2026 trở đi.
Minh Lâm