Sau phiên sáng tăng điểm khá tích cực đi kèm thanh khoản cải thiện và sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử, thị trường bước vào phiên chiều ghi nhận lực bán chốt lời gia tăng trên diện rộng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Dù áp lực bán không lớn, nhưng trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn yếu, thì mức độ lan rộng diễn ra rất nhanh khiến bảng điện tử đảo chiều, chỉ số VN-Index theo đó đã đổ đèo, thậm chí có thời điểm đã thủng tham chiếu, trước khi bật nhẹ lên ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HOSE có 156 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index tăng 0,60 điểm (+0,05%), lên 1.246,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 560 triệu đơn vị, giá trị 13.188,9 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và giảm nhẹ 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 54 triệu đơn vị, giá trị 1.434 tỷ đồng.
Ở nhóm bluechip VN30, áp lực phân hóa rất mạnh, nhưng đa phần chỉ tăng, giảm với biên độ hẹp, ngoài một vài cái tên cũ cuối phiên sáng như STB, MBB nhích trên dưới 2% và BID là điểm sáng khi nới thêm đà tăng +4,1% lên 40.300 đồng và đóng góp gần 3 điểm tích cực cho VN-INdex.
Theo sau là BCM khi +3,3% lên 72.500 đồng, còn lại nhích nhẹ có MWG, FPT, ACB, CTG, VIB, TCB…
Trái lại, cổ phiếu GVR bất ngờ nới đà đi xuống, đóng cửa mất hơn 3,7% xuống 28.300 đồng. Các sắc đỏ khác may mắn chỉ giảm nhẹ, trong đó, SSI nổi bật khi vươn lên khớp lệnh cao nhất nhóm và đồng thời dẫn đầu thị trường với hơn 18,5 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ hoạt động mạnh hơn trong phiên chiều. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng NAB đáng chú ý nhất khi đóng cửa tăng kịch trần +7% lên 16.900 đồng, khớp lệnh hơn 17,4 triệu đơn vị - mức cao nhất kể từ khi niêm yết, giá cổ phiếu trở về mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái.
Các mã khác như CIG, HAP, TMT giữ vững sắc tím và trong phiên chiều còn có thêm PSH và ADG cũng đã tăng kịch trần. Đáng kể khác là BMP, KBC, SJS, EVF, TTA với mức tăng 3% đến hơn 4%, với EVF và KBC vượt trội khi có hơn 8,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tranh thủ chốt lời hoặc gia tăng lực cung tại một số cổ phiếu như VCA, TV2, GMC và YEG khi đều giảm sàn, trong đó, YEG khớp hơn 9,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu quen thuộc ở những nhóm bất động sản, dầu khí, phân bón, dịch vụ giảm có NHA, DIG, PVD, PET, TDH, IDI, BFC, KSB, APG, PDR, GIL, NLG, NTL, DPG, PAC, khi để mất 3% đến hơn 6%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã nới rộng đà đi xuống trong phiên chiều và chững lại ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 56 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 1,96 điểm (-0,88%), xuống 220,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 42,3 triệu đơn vị, giá trị 760,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,1 triệu đơn vị, giá trị 79,2 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu lớn gây sức ép như KSV -5% xuống 108.500 đồng, PVS -3,9% xuống 32.100 đồng, DHT -9,5% xuống 86.900 đồng, CEO -4% xuống 12.000 đồng. Các mã PVI, SHS, MBS cũng chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm chỉ trên dưới 1%.
Trên UpCoM, lực cung gia tăng cũng đã khiến UpCoM-Index lùi sâu hơn ở dưới tham chiếu và tiếp tục lùi bước cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,65%), xuống 93,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 332,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,9 triệu đơn vị, giá trị 32,6 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu thanh khoản cao nới đà giảm, như BGE -13% xuống 6.600 đồng, HBC -6,1% xuống 6.100 đồng, AAS và BCR mất hơn 4%...
Phiên này, cổ phiếu HNG khớp lệnh vượt trội với 6,76 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu về tham chiếu tại 7.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2501 giảm nhẹ 0,5 điểm, tương đương -0,04% xuống 1.318,4 điểm, khớp lệnh hơn 174.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.800 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa gia tăng, nhưng một số mã khớp lệnh cao nhất lại có sắc xanh. Trong đó, CMBB2315 tăng 3,1% lên 1.340 đồng/cq, khớp gần 7 triệu đơn vị, CHPG2407 với 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh và +1,5% lên 700 đồng/cq, CMBB2406 với 2,65 triệu đơn vị và tăng 2% lên 520 đồng/cq.
Lạc Nhạn