Thị trường phiên chiều chứng kiến nỗ lực giữ nhịp của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, trong bối cảnh bất động sản suy yếu. VN-Index liên tục giằng co quanh tham chiếu và chỉ bật tăng vào cuối phiên nhờ lực cầu áp đảo.
Áp lực chốt lời xuất hiện sau nhịp tăng nóng khiến nhiều mã bất động sản quay đầu giảm giá. VIC mất 2,5%, một loạt mã cũng điều chỉnh gồm DXG (-1,8%), PDR (-1,7%), HDG (-1,6%), NLG và HDC cùng giảm 1,6%, AGG (-1,1%), VRE (-1,1%). Tuy vậy, vẫn còn một số mã giao dịch tích cực như DXS, HQC, QCG tăng trần, CEO tăng 7,6%, LDG tăng 4,4%, L14 tăng 3,9%...
Dòng tiền xoay trục sang cổ phiếu ngân hàng, giúp nhóm này trở thành trụ đỡ chính trong phiên chiều. PGB tăng mạnh nhất nhóm với 9,2%, theo sau là STB (+5,2%), TCB (+3,1%), LPB (+2,8%), EVF (+2,5%), EIB (+2,4%), VPB (+2,2%), MBB (+1,7%)...
Cổ phiếu chứng khoán nhìn chung đóng cửa quanh tham chiếu, riêng VIX tăng trần với thanh khoản vượt 65 triệu đơn vị. Một số mã khác cũng giao dịch khởi sắc như EVS (+6,2%), SBS (+3,5%), MBS (+3,1%), IVS (+3%)...
Nhóm dầu khí bật tăng trở lại sau giai đoạn tích lũy. PVC tăng 2,6% lên 11.900 đồng/cp, PVS tăng 2,4%, PVD tăng 2,2%, BSR và PVB cùng tăng 1,9%, OIL (+1,8%), PVO (+1,6%), PVT (+1,1%), GAS và PLX lần lượt tăng 0,6% và 0,5%...
Thanh khoản toàn thị trường cải thiện đáng kể trong phiên chiều với hơn 1,78 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tương đương 40.270 tỷ đồng. Riêng sàn HOSE ghi nhận giá trị khớp lệnh đạt 36.707 tỷ đồng, tăng gần 3% so với phiên liền trước.
Giao dịch khối ngoại tiếp tục theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng phiên thứ hai liên tiếp với giá trị hơn 100 tỷ đồng trên HOSE. FPT bị bán mạnh nhất với giá trị 186 tỷ đồng, theo sau là VCB (97 tỷ đồng), GEX (83 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại tập trung giải ngân vào MSN (264 tỷ đồng), VPB (115 tỷ đồng), SSI (98 tỷ đồng)...
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 2,89 điểm (0,19%) xuống 1.487,12 điểm, HNX-Index tăng 1,4 điểm (0,57%) lên 247,49 điểm, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (0,3%) đạt 104,52 điểm.
Áp lực bán dâng cao về cuối phiên sáng khiến VN-Index và VN30-Index đảo chiều giảm nhẹ. Độ rộng thị trường nghiêng về phe bán với 376 mã giảm, 350 mã tăng. Rổ VN30 ghi nhận 20 mã đỏ, trong khi chỉ có 8 mã tăng.
Tại nhóm vốn hóa lớn, VIC dẫn đầu chiều giảm với tỷ lệ 2,2%, theo sau là BVH (-1,5%), VJC (-1,4%), VRE (-1,2%), cùng với HDB, CTG, SSB, SHB, MWG, BID, SAB, HPG, SSI, STB, VCB, LPB, GAS, MBB, FPT, ACB giảm dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, MSN dù hạ độ cao nhưng vẫn đứng đầu rổ VN30 với tỷ lệ tăng 3,5%, kế đó là BCM (+1%), GVR (+1%)…
Quan sát theo nhóm ngành, nhiều cổ phiếu bất động sản chuyển sang giao dịch sắc đỏ dưới áp lực chốt lời như DXS, VIC, SCR, TCH, HDC, DXG, AGG…
Trong khi đó, QCG vẫn duy trì trần đến cuối phiên. CEO và HQC tăng lần lượt 6,2% và 6,1%, L14 (+3,9%), CII (+2,8%), NVL (+2,7%), DIG (+2,2%)…
Cổ phiếu của công ty chứng khoán giao dịch phân hóa với sắc xanh thuộc về EVS (+6,2%), VIX (+4,2%), IVS (+4%), MBS (+3,8%), VDS (+2,5%), DSC (+2,1%), SBS (+1,8%), SHS (+1,8%)…
Ở phía đối diện, APS giảm 5% về 9.500 đồng/cp, PHS (-4,8%), PSI (-2,4%), TVB (-2%), CSI (-1,6%), APG (-1,6%)…
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 970 triệu cổ phiếu, tương đương 20.928 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch ghi nhận 18.252 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ phiên trước nhưng vẫn cao hơn 19% so với trung bình 1 tuần gần đây.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 267 tỷ đồng trên HOSE, tập trung tại FPT (91 tỷ đồng), STB (73 tỷ đồng, DXG (69 tỷ đồng). Ngược lại, họ mua ròng mạnh nhất đối với MSN (191 tỷ đồng), VIX (73 tỷ đồng), VPB (52 tỷ đồng).
Kết quả giao dịch khớp lệnh trên HOSE phiên sáng 18/7 (xếp theo khối lượng giao dịch). (Nguồn: Algo).
Tính đến 10h45, VN-Index tăng 10,67 điểm (0,72%) lên 1.500,68 điểm, VN30-Index tăng 12,51 điểm (0,77%) đạt 1.647,21 điểm.
Sau gần 2h giao dịch, VN-Index lại lần nữa tiến lên kiểm định khu vực 1.500 điểm. Như vậy, chỉ số còn cách đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm (thiết lập ngày 6/1/2022) chưa đến 30 điểm.
Tại nhóm vốn hóa lớn, MSN vươn lên dẫn đầu chiều tăng với 4,6%, theo sau là VHM (+4%), GVR (+2,3%), TPB (+2,3%), BCM (+2,1%)…
Trong khi đó, VIC hạ nhiệt sau chuỗi tăng mạnh, hiện đang giảm 0,6% xuống 121.300 đồng/cp, cùng với VRE, BVH, SSB, SAB, GAS lùi về dưới tham chiếu.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 7,07 điểm (0,47%) lên 1.497,08 điểm, HNX-Index tăng 2,76 điểm (1,12%) đạt 248,85 điểm, UPCoM-Index đạt 0,95 điểm (0,91%) lên 105,16 điểm.
Tiếp nối xu hướng tích cực của các phiên trước, VN-Index mở cửa tăng gần 8 điểm với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. Tâm lý giao dịch tích cực nhanh chóng kéo chỉ số vượt 1.500 điểm. Song, áp lực chốt lời ở vùng giá cao đang khiến chỉ số tạm lùi bước, hiện chỉ còn tăng hơn 7 điểm.
Cổ phiếu trong hệ sinh thái Vingroup vẫn là động lực chính của thị trường. Trong đó, VHM dẫn đầu với tỷ lệ tăng 3,1% lên 97.000 đồng/cp, kéo VN-Index tăng gần 2,4 điểm. Cùng chiều, VRE và VIC xanh lần lượt 1,3% và 0,5%.
Bên cạnh VIC và VHM, loạt cổ phiếu bất động sản bứt tốc mạnh mẽ, điển hình là LDG, HQC, NVL, QCG, CEO tăng trần. Sắc xanh cũng được chứng kiến ở DIG (+6,4%), L14 (+6,5%), CII (+5,7%), PDR (+4,3%), HPX (+3,2%)…
Tại thị trường quốc tế, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục đạt mức kỷ lục mới nhờ một loạt báo cáo tài chính vượt kỳ vọng của Phố Wall và dữ liệu bán lẻ tích cực.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 17/7, chỉ số S&P 500 đã tăng 0,54% và đóng cửa ở mức kỷ lục mới là 6.297 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng nhích 0,75% lên đỉnh mới là 20.886 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 230 điểm, tương đương 0,52% và kết thúc ở mức 44.484 điểm.
Thu Thảo