Tâm lý thị trường có sự thận trọng tương đối khi nhìn trên bản đồ nhiệt. Trên sàn HSX phiên 7/2 có 237 mã cổ phiếu tăng điểm, trong khi 212 mã giảm điểm. Thị trường đang dần phân hóa. Sự phân hóa có thể rõ rệt hơn trong những phiên kế tiếp.
Nhóm cổ phiếu ngành Y Dược tăng mạnh nhất trên VN-Index phiên 7/2.
Kết phiên 7/2, VN-Index đóng cửa ở mức 1.275 điểm - tăng 3.72 điểm, tương đương 0,29%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò quan trọng trong phiên giữ điểm hôm nay với 17/30 cổ phiếu đạt sắc xanh, 2 mã cổ phiếu đạt mức tham chiếu (tức giá không thay đổi so với mở cửa) và 11 cổ phiếu giảm điểm.
Mức tăng mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tập trung vào CTG của Vietinbank - tăng 3,29%, TCB của Ngân hàng Techcombank - tăng 2,18%, BID của Ngân hàng BIDV và BVH của Tập đoàn Bảo Việt đạt mức tăng trên 1,7%. Các cổ phiếu khác trong nhóm tăng điểm nhưng không tỷ lệ tăng không quá mạnh.
Về phân hóa nhóm ngành, nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường mạnh nhất. Nhóm ngành viễn thông giảm 2,12%, trong đó mã VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel giảm mạnh nhất là 2,39%, mã FOX của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT giảm 0,61%...
Nhóm cổ phiếu công nghệ như FPT, CMG, ELC... cũng bị bán mạnh khiến chỉ số ngành giảm 0,24% với giá trị trên 662,5 tỷ đồng.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành Y Dược lại có mức tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ tăng trưởng đạt 0,83% và giá trị đạt 105,9 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu Y Dược chủ yếu có vốn hóa vừa và nhỏ nên độ ảnh hưởng đến cục diện chung không cao.
Tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngành Y Dược phải kể đến AMV của Y tế Việt Mỹ tăng hơn 6%, NDC của Nam Dược tăng 3,30% hay DP3 của Dược phẩm Trung ương 3 cũng tăng trên 1,7%.
Hiện, vùng kháng cự trước mắt của VN-Index là 1.283,04 điểm. Nếu vượt qua vùng này trong những ngày tới, VN-Index có thể thuận lợi tiến đến vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, tại các bản tin thị trường trong tuần, giới phân tích dự đoán khả năng cao VN-Index sẽ có pha điều chỉnh ngắn hạn.
Minh Tâm