Theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ công bố việc áp thuế nhập khẩu đối ứng lên các quốc gia, tập trung vào các nước có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ vào ngày 2/4 (theo giờ địa phương).
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị nêu tên trong báo cáo này, dẫn tới nguy cơ bị áp thuế đối ứng. Nguyên nhân là do Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các thị trường mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang áp mức thuế nhập khẩu bình quân từ Mỹ cao hơn so với chiều ngược lại.
Nếu Việt Nam bị tăng thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp để khắc phục, giảm thiểu từ các tác động tiêu cực nếu bị tăng thuế.
Cụ thể, ngay khi có thông tin Hoa Kỳ dự kiến tăng thuế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025, có hiệu lực ngay từ ngày ký. Nghị định quy định giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Hoa Kỳ như ô tô, ethanol, đùi gà đông lạnh, hoa quả với mức giảm dao động từ 30% đến 100% so với trước đây. Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, làm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ và tránh rơi vào nhóm đối tượng bị áp thuế mới dự kiến sẽ được công bố bởi chính phủ Mỹ vào ngày 2/4.
VN-Index có thể lùi về 1.300 điểm do Mỹ công bố thuế quan
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, ngày 26/3, Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% đối với ôtô, gấp 10 lần mức cũ, có hiệu lực từ ngày 2/4. Động thái này làm cổ phiếu ngành ôtô toàn cầu lao dốc, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư vốn đã bất ổn bởi cuộc chiến thương mại kéo dài.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect
Thêm vào đó, Mỹ dự kiến công bố chính sách thuế đối ứng nhắm vào nhóm 15 quốc gia có mức thuế cao và thặng dư thương mại lớn vào ngày 2/4, trong đó Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng.
“Trong tuần này, thị trường chứng khoán sẽ duy trì tâm lý thận trọng và VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm (+/-10 điểm). Tuy nhiên, khả năng chỉ số giảm sâu hơn vùng này không cao khi lo ngại thuế quan đã phản ánh phần lớn vào đợt điều chỉnh gần đây”, ông Hinh cho hay.
Ngoài ra, theo ông Hinh, Việt Nam gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị phía Mỹ áp thuế quan “hà khắc”, bao gồm ký kết các thỏa thuận thương mại lên tới 90 tỷ USD với Mỹ và xem xét giảm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu như: ôtô, ethanol, LNG, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ để phần nào cân bằng thương mại với các đối tác thương mại quan trọng.
Thêm vào đó, tác động trực tiếp từ thuế quan tới thị trường chứng khoán là hạn chế do nhóm cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu các chỉ số chứng khoán.
“Tôi cho rằng rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị ‘thổi phồng’ quá mức”, ông Đinh Quang Hinh nhận định, đồng thời cho rằng, nếu chỉ số lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm) sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung hoặc dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện và đầu tư công.
“Thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ trong năm nay để kỳ vọng vào xu hướng tích cực, bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích lớn từ triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Ngành nào, doanh nghiệp nào dễ bị tổn thương nhất?
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu VIS Rating thông tin, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, do xuất khẩu từ Việt Nam tăng mạnh. Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2024.
“Nếu Việt Nam bị tăng thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ”, ông Nguyễn Đình Duy cho biết.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tập trung ở 4 nhóm sản phẩm chính
Tuy nhiên, mức độ tác động được dự báo sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty. Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Trong đó, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Chuyên gia của VIS Rating cũng chỉ ra một số doanh nghiệp nội địa có tỷ lệ phụ thuộc đáng kể vào thị trường Mỹ.
Cụ thể, dệt may: Công ty cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH) có tới 80% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) là 46%. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (UPCoM: VGT) là 35%. Công ty cổ phần Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) là 25%.
Đồ gỗ: Công ty cổ phần Savimex (HoSE: SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, ghi nhận 50% doanh thu xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Trong vài tuần qua, đại diện chính phủ Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần gặp nhau để đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan tiềm ẩn. Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ, SpaceX của Mỹ đã nhận được sự chấp thuận để triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.
“Các biện pháp này, về lý thuyết, sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ theo thời gian. Nhưng chính các cuộc đàm phán đang và sắp diễn ra giữa hai chính phủ mới quyết định mức độ chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng như việc sẽ áp dụng nó trong bao lâu”, chuyên gia của VIS Rating nhấn mạnh.
Cũng theo ông Duy, tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó, xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.
“Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. Các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam”, chuyên gia của VIS Rating lo ngại.
Diệp Diệp/VOV.VN