Tài sản của Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn tiếp tục bị bào mòn do giá cổ phiếu chạm đáy. Ảnh: S.T.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu trồi sụt mạnh mẽ hơn trong phiên 22/1 trong bối cảnh thiếu vắng dòng tiền hỗ trợ. Dù cố gắng nâng độ cao, chỉ số VN-Index vẫn nhanh chóng chìm xuống dưới tham chiếu khi bị nguồn cung lấn át.
Bước sang phiên chiều, diễn biến thậm chí tệ hơn, dòng tiền lớn rời đi khiến chỉ số đánh mất trụ đỡ. VN-Index lao dốc mạnh và có thời điểm đe dọa mốc hỗ trợ 1.240 điểm.
Kết phiên, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,29%) xuống 1.242,53 điểm; HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,45%) xuống 220,67 điểm; UPCoM-Index một lần nữa ngược dòng khi tăng 0,24 điểm (+0,26%).
Tổng thanh khoản trên cả 3 sàn cải thiện lên 14.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu do áp lực bán ra tăng lên.
Thị trường thoát khỏi tình trạng phân hóa khi sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn trên bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 434 mã giảm (gồm 12 mã giảm sàn), 870 mã giữ tham chiếu và 309 mã tăng (gồm 23 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 24 mã giảm, 3 mã giữ tham chiếu và 3 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ vì thế giảm 5 điểm và lùi bước xuống 1.309 điểm.
VN-Index quay đầu điều chỉnh trong bối cảnh dòng tiền hỗ trợ yếu ớt. Ảnh: TradingView.
Phiên hôm nay ghi nhận nỗ lực bảo vệ chỉ số của cổ phiếu LPB (+4,9%) cùng các mã HVN (+2,5%), FRT (+4,4%), BSR (+1,5%), SSB (+1,6%), CTR (+4,2%), VTP (+2,8%), STB (+0,8%), SJS (+5,2%) và BHN (+4,1%).
Tuy nhiên, nhóm kéo chân chỉ số gồm HDB (-2,9%), BID (-0,8%), VHM (-1,3%), GVR (-1,4%), BCM (-1,9%), VCB (-0,2%), HPG (-0,6%), BVH (-2,5%), PLX (-1,8%) và MSN (-0,8%) lại có tác động tiêu cực tương đối đồng đều.
Ngoài ra, thị trường còn hứng chịu áp lực từ một số mã điều chỉnh với biên độ lớn như NVL (-4%) của Novaland. Sau giai đoạn tạm chững đà lao dốc, cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản phía Nam lại tiếp tục giảm sâu.
Đến nay, cổ phiếu NVL đã giảm 3 phiên liên tiếp và chính thức thiết lập mức thấp kỷ lục 8.680 đồng/đơn vị. Từ đầu năm mới, thị giá NVL đã giảm 16%, qua đó đẩy vốn hóa rơi về dưới 17.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác như Văn Phú Invest, Kinh Bắc, Khang Điền, Idico.
Mặt khác, các cổ phiếu viễn thông vẫn thu hút nhà đầu tư. Hàng loạt như mã CTR (+4,2%), VGI (+3,4%), FOX (+2,4%), VTK (+7%) FOC (+2,8%) ghi nhận nhịp đi lên khởi sắc.
Cổ phiếu YEG của Yeah1 - nhà sản xuất show Anh trai vượt ngàn chông gai - cũng có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và tiến lên mốc 16.150 đồng/đơn vị.
Khối ngoại thu hẹp hoạt động giao dịch ở cả 2 chiều, song duy trì trạng thái rút ròng ở quy mô 333 tỷ đồng. Các mã bị bán mạnh tay gọi tên FPT (-56 tỷ đồng), GMD (-47 tỷ đồng), FRT (-46 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, LPB gây đột biến khi được nhóm này gom 84 tỷ đồng, kế đó là HDB (+29 tỷ đồng), CTR (+26 tỷ đồng).
Minh Khánh