Câu chuyện cũ được kể lại
Dù thị trường giao dịch ảm đạm, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa lao dốc, nhưng dòng tiền bất ngờ đi tìm những cổ phiếu nhỏ với câu chuyện riêng. Trong đó, cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư PV2 (mã PV2) bất ngờ hút dòng tiền và tăng nóng trong thời gian ngắn. Từ ngày 2/1 đến 9/1, cổ phiếu PV2 đã bật tăng 44%, từ 2.500 đồng lên 3.600 đồng/cổ phiếu và trở thành hiện tượng tăng nóng trên sàn HNX.
Được biết, đà tăng nóng của cổ phiếu PV2 bắt nguồn từ thông tin Công ty thông qua kế hoạch chuyển nhượng Dự án Khu dân cư tại xã Long Tân và xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam với giá 278,12 tỷ đồng.
Thực tế, đây không phải câu chuyện mới. Ngày 10/10/2018, Công ty cổ phần Đầu tư PV2 đã ký hợp đồng chuyển nhượng Dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam với giá trị 170 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, Công ty cổ phần Đầu tư PV2 đã nhận 150 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam liên quan tới hợp đồng chuyển nhượng Dự án ký ngày 10/10/2018.
Đồng thời, Công ty cổ phần Đầu tư PV2 cho biết, đã đầu tư hơn 180,1 tỷ đồng vào dự án có quy mô 9,99 ha nêu trên. Ngày 28/8/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đây là cơ sở để giao dịch sớm được hoàn tất.
Về phần Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam, dù chưa chính thức sở hữu Dự án, nhưng trên website của mình, đã giới thiệu là chủ đầu tư Dự án Long Hội Central Point tại đường TL769, Lý Thái Tổ, xã Long Tân và Phú Hội với quy mô 9,99 ha, cung cấp 521 sản phẩm gồm đất nền, nhà phố, shophouse.
Cũng theo giới thiệu của Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam, Dự án có vị trí thuận lợi, khi mất 30 phút tới TP.HCM, mất 15 phút tới Sân bay Long Thành và 30 phút tới Cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, Dự án kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch trong tương lai như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, đoạn nối dài 9 km từ Nút giao 319 đến cao tốc Bến Lức - Long Thành…
Có thể thấy, câu chuyện dù không mới, nhưng với kỳ vọng giao dịch sớm thực hiện và hạch toán lợi nhuận, cổ phiếu PV2 đã và đang hút dòng tiền.
Chất lượng tài sản gặp vấn đề
Thực tế, kể từ khi ký hợp đồng chuyển nhượng, Công ty cổ phần Đầu tư PV2 liên tục nhận tiền cọc của Công ty cổ phần Đầu tư Tây Tây Nam. Trong đó, năm 2018, Công ty nhận 10 tỷ đồng, năm 2019 nhận 30 tỷ đồng, năm 2020 nhận thêm 38,5 tỷ đồng, năm 2021 nhận 56,5 tỷ đồng và năm 2022 nhận thêm 15 tỷ đồng, nâng tổng số tiền cọc nhận là 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả, tính tới ngày 30/9/2024, Công ty cổ phần Đầu tư PV2 vẫn lỗ lũy kế 132,5 tỷ đồng, bằng 35,5% vốn điều lệ; đồng thời sử dụng 33,8 tỷ đồng nguồn vốn có kỳ hạn ngắn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn có kỳ hạn lớn hơn 1 năm. Trong báo cáo kiểm toán gần nhất bán niên năm 2024, kiểm toán cũng nhấn mạnh các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần Đầu tư PV2.
Thêm nữa, chất lượng tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư PV2 cũng đáng lưu ý, dù sở hữu quy mô tài sản hơn 403 tỷ đồng, nhưng liên tục trích lập dự phòng. Trong đó, tại thời điểm cuối quý III/2024, đơn vị này trích lập 13,4 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn; 43,7 tỷ đồng dự phòng phải thu dài hạn khó đòi; 24,9 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho; 61,77 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi; 3,06 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư.
Có thể thấy, việc quản trị tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư PV2 đang gặp khó khăn, liên tục phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư, cũng như phải thu của khách hàng làm giảm giá trị tài sản. Trong đó, tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2024, trước lo ngại về thực trạng các dự án, ông Nguyễn Phúc Anh, Chủ tịch Công ty nhấn mạnh một số khoản đầu tư đã được trích lập dự phòng 100%, đồng thời Công ty đã và đang chuyển nhượng tài sản đảm bảo thu hồi vốn.
Dòng tiền ngắn hạn đã tham gia cổ phiếu của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (mã VPH) với kỳ vọng lãi đột biến từ việc chuyển nhượng 16,7 ha tại dự án Nhơn Đức, Nhà Bè, TP.HCM và hạch toán lãi đột biến trong quý III/2024. Trong đó, từ ngày 8/5/2024 đến 15/10/2024, cổ phiếu VPH đã tăng 41,9%, từ 6.390 đồng lên 9.070 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó lao dốc, tới ngày 9/1/2024 chỉ còn 6.860 đồng/cổ phiếu, gần bằng mức giá lúc bắt đầu tăng.
Như vậy, với trường hợp của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng trước đây và Công ty cổ phần Đầu tư PV2 mới đây, việc bán đi các tài sản ghi nhận lãi đột biến thường hỗ trợ giá cổ phiếu ngắn hạn, nhưng khó duy trì đà tăng bền vững. Thậm chí, hậu thương vụ bán tài sản, giá cổ phiếu còn quay đầu về bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng, gây ra rủi ro lớn đối với nhà đầu tư mua đuổi vùng giá cao mà không biết chốt lời.
Duy Bắc