Kết phiên sáng, cổ phiếu HPG dừng ở mức 27.650 đồng/cp (+4,54%). Tổng khối lượng đạt hơn 61,3 triệu đơn vị, tăng gấp 3 lần so với 3 phiên giao dịch gần nhất, đồng thời đứng đầu toàn thị trường về thanh khoản. Sự tích cực này diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cổ phiếu HPG chạm trần trong phiên sáng 24/2.
Theo đó, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành.
Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Theo Bộ Công thương, việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu thép HRC, tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất được HRC là Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nhiều tổ chức đánh giá, việc áp dụng thuế chống bán phá giá có thể mang lại cho Hòa Phát và Formosa sức mạnh thị trường vượt trội, gia tăng sản lượng và giá bán.
Trong đó, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, CFA Vũ Thế Duyệt nhận định, với mức thuế này, thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Hòa Phát, nên đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ của Dung Quất 2.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ chạy thử nghiệm lò cao đầu tiên vào quý I/2025 trước khi đi vào vận hành chính thức, nâng công suất HRC hàng năm của Hòa Phát lên 5,6 triệu tấn. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, bổ sung thêm 2,8 triệu tấn, nâng tổng công suất lên 8,4 triệu tấn mỗi năm.
Theo SSI Research, việc đưa Dung Quất 2 vào hoạt động và thông báo về thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ là hai yếu tố chính hỗ trợ giá cổ phiếu.
SSI Research điều chỉnh ước tính năm 2025 và giá mục tiêu HPG lên 33.500 đồng/cp (từ 31.700 đồng/cp), dựa trên mục tiêu P/E và EV/EBITDA không đổi lần lượt là 15x và 8x.
Dù vậy, nhóm phân tích vẫn đưa ra rủi ro về nhu cầu và giá thép toàn cầu giảm và chi phí sản xuất cao hơn.
Châu Anh