Tính từ đầu năm, thị giá SHB đã tăng hơn khoảng 55%, là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Vốn hóa thị trường đạt hơn 56.500 tỷ đồng (~2,2 tỷ USD).
Cùng với đó, thanh khoản bùng nổ cũng là yếu tố gây chú ý. Ngay từ khi mở cửa giao dịch, cổ phiếu SHB đã cho thấy giao dịch đầy sôi động. Khối lượng nhanh chóng vượt qua mốc 100 triệu đơn vị, tính đến cuối phiên sáng đạt mức 151 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị tương ứng hơn 2.010 tỷ đồng, dẫn đầu toàn sàn chứng khoán.
Cổ phiếu SHB tăng trần với thanh khoản kỷ lục.
Chốt phiên, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này đạt gần 250 triệu đơn vị - chính thức xô đổ kỷ lục của mình. Gần nhất, trong phiên 22/4 vừa qua, cổ phiếu này đã giao dịch đến hơn 222 triệu đơn vị, thiết lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về thanh khoản.
Thời gian qua, cổ phiếu SHB đang trở thành tâm điểm chú ý trên sàn chứng khoán với thanh khoản rất cao. Từ đầu năm 2025 đến nay, SHB đã có 10 phiên giao dịch trên 100 triệu đơn vị, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 10 cổ phiếu xuất hiện khối lượng khớp lệnh một phiên trên 100 triệu đơn vị, gồm ROS, FLC, NVL, DIG, HPX, VND, GEX, VIX, STB và SHB.
Theo giới phân tích, cổ phiếu SHB đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới đầu tư từ khi Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội “mở két” chi trả hơn 2.000 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt và nhận được lực mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại. Những tín hiệu tích cực cả về hoạt động kinh doanh lẫn kỳ vọng dòng vốn ngoại đang tạo đà mới cho cổ phiếu SHB trong bối cảnh thị trường đang tìm kiếm các mã ngân hàng có định giá hấp dẫn.
Theo ông Hàn Hữu Hậu, chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán lớn, cổ phiếu SHB đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn: “SHB có định giá vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung ngành ngân hàng, trong khi hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời rất ấn tượng. Việc chi cổ tức tiền mặt hơn 2.000 tỷ đồng cùng dòng tiền ngoại quay lại là tín hiệu rõ ràng cho thấy cổ phiếu này đang dần được thị trường định giá lại”.
Thực tế, theo phân tích của Chứng khoán Maybank, cổ phiếu SHB hiện có hệ số P/E chỉ ở mức 5,28 lần và P/B là 0,9 thấp hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến nhiều cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 khẳng định thị giá hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị nội tại của ngân hàng.
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy SHB đang vận hành hiệu quả: lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.400 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch cả năm. ROE đạt mức 21,4% - thuộc nhóm cao nhất trong ngành, biên lãi ròng (NIM) đạt 3,26%, còn chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức 24,5%. Tổng tài sản của ngân hàng đã vượt mốc 790.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, trong khi dư nợ tín dụng tăng 7,8% lên mức 575.777 tỷ đồng.
Mục tiêu của SHB trong năm 2025 là đạt lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Đồng thời, ngân hàng hướng tới việc nâng tổng tài sản lên hơn 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026, tiếp tục kiểm soát nợ xấu dưới 2% và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 16%.
Châu Giang