Một góc cảng Sài Gòn Hiệp Phước
Sau phiên giảm mạnh ngày 3/2/2025, thị trường chứng khoán có 2 phiên hồi phục tích cực liên tiếp. Trong phiên 5/2, các chỉ số chính trên cả 3 sàn đều chốt ở sắc xanh, với VN-Index tăng 0,39%, HNX-Index tăng 0,61% và UPCOM-Index tăng 0,61%. Trong khi số mã tăng không quá áp đảo số mã giảm trên sàn HOSE và HNX, màu xanh áp đảo hoàn toàn trên sàn UPCOM, với 178 mã tăng so với chỉ 76 mã giảm điểm.
Đà tăng của dòng cổ phiếu cảng biển là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của phiên 5/2, đồng thời là động lực lớn giúp UPCOM-Index tăng điểm mạnh mẽ. Trong đó, TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng tăng kịch biên độ 15%, MVN của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) tăng 9,1%, PHP của Cảng Hải Phòng tăng 7,5% hay SGP của CTCP Cảng Sài Gòn tăng 7,1%.
Đối với SGP, đây là phiên tăng điểm thứ 6/10 phiên gần nhất của cổ phiếu này. Trong các phiên tăng điểm, SGP có không ít phiên tăng mạnh (phiên 17/1 tăng 14,3%, phiên 20/1 tăng 13,47%, phiên 21/1 tăng 7,89%), giúp cổ phiếu tăng từ 26.300 đồng/CP lên 37.900 đồng/CP như hiện tại, tương đương mức tăng 45% (so với giá tham chiếu phiên 16/1).
Diễn biến cổ phiếu SGP thời gian gần đây. Ảnh: SSI Iboard
Về tình hình kinh doanh, trong quý 4/2024, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh hợp nhất thu đạt 292 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, do giá vốn gia tăng, lợi nhuận gộp của công ty giữ nguyên ở mức hơn 93 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, lợi nhuận sau thuế của SGP đạt 44,6 tỷ đồng, giảm 35,3% so với quý 4/2023.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hợp nhất của Cảng Sài Gòn đạt 1.106 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 172,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,4% và giảm 42% so với kết quả năm 2023.
Kết quả lợi nhuận trên báo cáo tài chính hợp nhất của Cảng Sài Gòn thua kém đáng kể so với báo cáo tài chính riêng. Trong năm 2024, công ty mẹ ghi nhận 971 tỷ đồng doanh thu, 265,56 tỷ đồng sau thuế, lần lượt tăng 13,6% và giảm 15% so với năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SGP đạt 5.719,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 30,6% lên 510 tỷ đồng, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 38,89% lên 350,1 tỷ đồng, phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 216,6% lên 202 tỷ đồng.
Phần lớn cơ cấu tài sản của SGP là tài sản dài hạn, bao gồm 756 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn, 1.719 tỷ đồng tài sản cố định, 1.306 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.
Ở bên kia bảng cân đối tài sản, tổng nợ phải trả tại cuối năm 2024 đạt 2.829 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm, với 403 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác và 1.781 tỷ đồng phải trả dài hạn khác.
Vào ngày 16/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 148/QĐ-TTg, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án có diện tích 571 ha, tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được căn cứ trên văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư và hồ sơ kèm theo nộp ngày 6/4/2023, và các văn bản giải trình, do Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) – thành viên hãng tàu hàng đầu thế giới MSC nộp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Minh Phong