Hầu hết các thị trường cổ phiếu châu Á đã mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư trong sắc xanh. Tại Trung Quốc, chỉ số blue-chip CSI300 tăng 0,63%, trong khi chỉ số Shanghai tăng 0,27%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng 0,60%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,88%, trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 0,95%. Còn tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,79%.
Chỉ số của MSCI về cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,5%.
Tuy nhiên Nikkei của Nhật Bản (.N225) đã giảm 0,10%.
Theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh tế của Nhật, đặc biệt sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn siêu dài của Nhật tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào thứ Ba do lo ngại về nhu cầu đối với trái phiếu của quốc gia này. Trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm của Nhật tăng nhẹ 2 điểm cơ bản, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm 1,5 điểm cơ bản.
Dữ liệu vào thứ Tư cho thấy các chuyến hàng của Nhật Bản đến Mỹ đã giảm vào tháng 4 ngay cả khi xuất khẩu của nước này tăng trong tháng thứ 7 liên tiếp, làm nổi bật mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể gây ra cho sự phục hồi kinh tế mong manh ở Nhật Bản.
“Các thị trường đang khao khát những chất xúc tác mới để khơi dậy thêm khẩu vị rủi ro”, Kyle Rodda - Nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết. “Sự đảo ngược chính sách thương mại của Mỹ và việc kiểm soát thiệt hại mà họ đã thực hiện để dọn dẹp mớ hỗn độn mà họ tạo ra với mức thuế Ngày giải phóng (ông Trump gọi ngày 2/4 – ngày mà ông công bố các mức thuế quan đối ứng là Ngày giải phóng – PV) báo hiệu quyết tâm thực hiện tất cả những điều này. Đó là lý do khiến định giá cổ phiếu được hỗ trợ tốt”.
Những khó khăn về tài chính cũng được phản ánh trên Phố Wall khi cả 3 chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong ngày thứ Ba. Trong đó S&P 500 đã chấm dứt chuỗi sáu ngày tăng giá liên tiếp khi giảm 0,39% và đóng cửa ngày thứ Ba ở mức 5.940,46 điểm. Dow Jones cũng để mất 114,83 điểm, tương đương giảm 0,27%, xuống còn 42.677,24 điểm. Nadaq Composite cũng giảm 0,38% và đóng cửa ở 19.142,71 điểm.
Theo các nhà phân tích chứng khoán phố Wal chịu tác động mạnh từ sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ do các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng chính bởi lý do này mà hãng xếp hạng tín nhiệm Moddy’s vừa hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ.
Trong khi một dự luật thuế có thể tăng thêm khoảng 3 nghìn tỷ đến 5 nghìn tỷ đô la vào khoản nợ 36,2 nghìn tỷ đô la đang tăng vọt của chính phủ liên bang Mỹ dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào cuối tuần này tại Quốc hội.
Tâm lý thận trọng cũng được thể hiện qua việc các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ giảm nhẹ trong sáng thứ Tư. Cụ thể hợp đồng tương S&P 500 giảm 0,2%, cũng như hợp đồng tương lai Nasdaq 100, trong khi hợp đồng tương lai Dow Jones mất 93 điểm, tương đương 0,2%.
Tại Châu Âu, hợp đồng tương lai của STOXX 50 ổn định, trong khi hợp đồng tương lai FTSE 100 cũng dao động nhẹ với sự thận trọng trước báo cáo lạm phát tiêu dùng dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày tại Vương quốc Anh. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo chỉ số giá tiêu dùng tại Anh sẽ tăng 3,3% trong tháng 4 so với mức 2,2% của tháng trước.
Tuy nhiên các nhà phân tích lưu ý rằng, bất kỳ tiến triển nào về các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác thương mại của mình đều có thể thúc đẩy khẩu vị rủi ro, mặc dù lo ngại rằng các chính sách của Trump có thể đã gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.
Vào thứ Ba, các quan chức Fed cho biết giá cao hơn đang diễn ra sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ tăng, từ đó khuyến nghị Fed nên kiên nhẫn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về lãi suất. Các nhà giao dịch cũng cảnh giác với các quan chức Mỹ đang tìm cách làm cho đồng bạc xanh yếu hơn tại các cuộc họp của bộ trưởng tài chính G7 đang diễn ra tại Canada.
Những thông tin này đã đẩy đồng bạc xanh tiếp tục giảm giá. Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,43% xuống 99,69, sau khi giảm gần 1,3% trong hai ngày qua.
Trong khi đó các đồng tiền an toàn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ tăng tương ứng là 0,39% và 0,63% so với đồng bạc xanh lên 143,95 JPY/USD và 0,8230 CHF/USD.
Đồng bạc xanh suy yếu là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng vào thứ Tư. Vàng giao ngay tăng 0,14% ở mức 3.293 USD/oz, mức cao nhất trong hơn một tuần.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô tăng hơn 1 đô la một thùng sau khi CNN đưa tin rằng Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung từ khu vực sản xuất chính ở Trung Đông và đưa mối quan tâm về địa chính trị trở lại tâm điểm.
Hà Vy