Cổ phiếu VNM chạm đáy 2 năm, định giá đã về mức hấp dẫn?

Cổ phiếu VNM chạm đáy 2 năm, định giá đã về mức hấp dẫn?
20 giờ trướcBài gốc
Vinamilk thay đổi bao bì sau chiến dịch tái định vị thương hiệu. Ảnh: VNM
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những mã bluechip diễn biến tiêu cực thời gian qua. Từ vùng đỉnh năm 2024 (hơn 72.000 đồng/cp), mã liên tục đi xuống từ đầu tháng 9/2024 đến nay và hiện đang giao dịch quanh vùng 60.000 đồng/cp - thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Đà giảm của VNM phần nào tương đồng với kết quả kinh doanh quý cuối năm 2024, khi có sự đi xuống so với các quý trước. Cụ thể, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 15.477 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Biên lợi nhuận gộp đạt 40,1%, giảm so với mức 41,2% YoY.
Doanh thu tài chính cũng sụt giảm nhẹ về mức 395 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 18% YoY lên 140 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng nhẹ. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 2.147 tỷ đồng, giảm gần 9% YoY và là con số thấp nhất kể từ quý 2/2023.
Tuy nhiên nhờ sự khả quan của 3 quý đầu năm nên kết quả kinh doanh cả năm 2024 của Vinamilk vẫn tăng trưởng tích cực. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 61.783 tỷ đồng, tăng 2,3% YoY và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp; lợi nhuận sau thuế đạt 9.453 tỷ đồng, tăng 5% YoY; lợi nhuận ròng đạt 9.392 tỷ đồng, tăng 6% YoY và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây.
Lợi nhuận ròng và biên lợi nhuận ròng của Vinamilk theo quý. Nguồn: MBS
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp phát hành ngày 20/2, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lợi nhuận ròng của VNM trong quý 4/2024 giảm chủ yếu do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu đầu vào. Biên lợi nhuận gộp của công ty giảm 1,1 điểm % do giá bột sữa đầu vào tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là giá bột sữa nguyên kem (tăng 9% YoY).
Theo MBS, với áp lực bán mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu VNM đã giảm xuống mức hấp dẫn, với P/E trượt hiện đạt 13,4 lần, thấp hơn 16% với mức trung bình 3 năm (16 lần), trong khi lợi nhuận ròng của công ty đang có xu hướng phục hồi. Do đó, đơn vị phân tích cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào công ty có tăng trưởng ổn định và khả năng tài chính lành mạnh.
Phân tích kỹ hơn về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, báo cáo của MBS cho biết, VNM là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với tổng thị phần nội địa khoảng 43% (theo Euromonitor). Công ty cũng thành công trong sự kiện tái định vị thương hiệu năm 2023, giúp thị phần dự báo sẽ tiếp tục cải thiện 1-1,5 điểm % trong năm 2025.
Theo đơn vị phân tích, thị trường sữa Việt Nam ước tính có tốc độ tăng trưởng kép 4% trong giai đoạn 2025 - 2026, trong bối cảnh chi tiêu hộ gia đình ước tính tăng 9,8%/10,7%, đi cùng tiềm năng tăng trưởng tích cực của GDP. Cùng với đó, giá bán trung bình sẽ tăng lên khi tỷ trọng các sản phẩm có mức giá trung bình - cao có tiềm năng trong trung và dài hạn (ít đường, ít béo, nhiều đạm, chất lượng sữa cao cấp hơn), nhờ vào xu hướng kiểm soát cân nặng và lối sống lành mạnh của người tiêu dùng.
Với sự hỗ trợ của việc tái định vị thương hiệu, cùng với động lực chính từ sự phục hồi đáng kể GDP, MBS kỳ vọng doanh thu nội địa của VNM sẽ tăng trưởng 6% YoY trong năm 2025 và có sự phục hồi tốt hơn trong năm 2026 .
Đồng thời, những thay đổi trong chất lượng sản phẩm đang giúp VNM liên tục mở rộng được danh mục sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó giúp doanh thu xuất khẩu trực tiếp duy trì tăng trưởng hai chữ số trong năm 2025 - 2026.
Thị phần của Vinamilk tại thị trường nội địa (%). Nguồn: MBS
Cho rằng biên lợi nhuận gộp năm 2025 sẽ giảm nhẹ 0,3% YoY do giá bột sữa nguyên kem và bột sữa gầy trên thế giới tăng 5%/1% YoY, MBS dự phóng lợi nhuận ròng của VNM trong năm 2025 và 2026 sẽ lần lượt đạt 9.952 tỷ đồng và 10.568 tỷ đồng; duy trì mức tăng trưởng 6% YoY.
Về rủi ro với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, MBS cho rằng đó là thị phần trong nước thấp hơn so với dự tính do tiêu dùng nội địa vẫn còn chậm, đặc biệt tỷ lệ sinh giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các sản phẩm giữa cho trẻ em từ 0-4 tuổi. Sự cải thiện về thị phần nội địa ít hơn so với ước tính khi các chương trình hỗ trợ bán hàng kém hiệu quả. Ngoài ra, giá bột sữa thế giới có thể tăng mạnh khi thiếu hụt nguồn cung thế giới bất thường xảy ra, chủ yếu do rủi ro về thời tiết hay yếu tố về địa chính trị.
Phạm Ngọc
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/co-phieu-vnm-cham-day-2-nam-dinh-gia-da-ve-muc-hap-dan-38492.html