Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, chỉ số VN-Index mới có cơ hội tiếp cận mốc 1.500 điểm trong phiên sáng 18/7. Tuy nhiên, cũng như những lần thử thách các vùng kháng cự mạnh trước đó, thị trường đã nhanh chóng quay đầu thoái lui và tạm dừng phiên sáng dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.
Điều này không quá đáng lo ngại, bởi đây chỉ là áp lực chốt lời đơn thuần khi thị trường trải qua chuỗi tăng điểm mạnh liên tiếp và chỉ số chung đang ở vùng quá mua. Điểm tích cực chính là thanh khoản vẫn giữ nhiệt sôi động, cho thấy tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan vào triển vọng của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch chiều, sau thời gian ngắn đầu phiên giằng co nhẹ, dòng tiền hấp thụ mạnh đã giúp nhiều mã lớn khởi sắc. Đặc biệt, diễn biến hồi phục của nhóm cổ phiếu vua đã giúp VN-Index một lần nữa chạm mốc 1.500 điểm.
Dù một lần nữa tiếp cận không thành khiến thị trường một lần nữa bị đẩy về dưới mốc tham chiếu, nhưng VN-Index đã nhanh chóng bật hồi và khép lại phiên cuối tuần tăng hơn 7 điểm với điểm tựa chính là nhóm cổ phiếu bluechip.
Cụ thể, nhóm VN30 tăng hơn 9 điểm, với 19 mã tăng và 11 mã giảm. Trong đó, mã tăng mạnh nhất là STB đạt 5,2%, MSN tăng 3,8%, TCB tăng 3,1%..., tổng cộng 4 mã gồm TCB, VHM, STB và MSN đã đóng góp gần 6 điểm cho chỉ số chung; trong khi VIC vẫn là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 2,6 điểm, còn lại các mã chỉ tác động giảm trên dưới 0,5 điểm.
Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi hàng loạt mã đua trần thành công với thanh khoản bùng nổ. Điển hình, cổ phiếu VIX lập mức giá cao kỷ lục khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức 18.850 đồng/CP và khớp lệnh tới hơn 65 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần 4,7 triệu đơn vị; HAG cũng khoe sắc tím với thanh khoản lên tới hơn 37,1 triệu đơn vị.
Hàng loạt mã bất động sản trong top này cũng đóng cửa tăng kịch trần như HQC có thanh khoản lên tới hơn 33,5 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 11 triệu đơn vị; DXS, DRH, HTI, SJS, UIC, PTL, QCG đều “khoác áo tím”.
Các mã ấn tượng khác như NVL tăng 3,4% và khớp lệnh 48,2 triệu đơn vị, CII tăng 2,5% và khớp lệnh xấp xỉ 40 triệu đơn vị, LDG tăng 4,4% và khớp 32,6 triệu đơn vị, DIG tăng 1,2% và khớp 31,5 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm năng lượng thuộc top tăng tốt nhất thị trường khi đồng loạt đều khởi sắc, với GAS và PLX tăng nhẹ, PVD tăng 2,2%, BSR tăng 1,9%, PVS, PVC và PVB đều tăng quanh mức 2%...
Nhóm chứng khoán nới biên độ tăng so với cuối phiên sáng. Ngoại trừ điểm sáng VIX, các mã khác như VDS tăng 2,55%; VCI, VND, HCM, BSI, AGR, ORS tăng nhẹ chưa tới 1%; trong khi SSI và FTS giảm nhẹ chưa tới 0,5%.
Như đã nói ở trên, diễn biến hồi phục của thị trường có sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài điểm sáng là STB và TCB, các mã bank khác như VPB, LPB và EIB cùng tăng hơn 2%, MBB tăng 1,68%, TPB tăng 1,34%; các mã BID, CTG, HDB, VIB, ACB, VIB, HDB đều tăng nhẹ. Chỉ còn một vài mã đi ngược xu hướng chung của thị trường, trong đó, SHB giảm 0,7% xuống mức 14.200 đồng/CP, nhưng thanh khoản cao nhất thị trường, với hơn 78,3 triệu đơn vị.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm giảm mạnh nhất thị trường, với BVH giảm 1,87%, BIC giảm 1,92%, MIG và PRE giảm nhẹ.
Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, nhóm thép đi ngược khi điều chỉnh nhẹ bởi HPG và HSG cùng chưa tới 0,5%, NKG đứng giá tham chiếu. Cụ thể, HPG kết phiên giảm 0,4% xuống mức 25.900 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 của thị trường, đạt hơn 40,7 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HOSE có 171 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index tăng 7,27 điểm (+0,49%), lên 1.497,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,49 tỷ đơn vị, giá trị 35.924,3 tỷ đồng, đều tăng nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.015 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch phân hóa và nhóm HNX30 tiếp tục là động lực chính bởi đà tăng khá tốt của nhiều mã.
Chốt phiên, sàn HNX có 86 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index tăng 1,68 điểm (+0,68%), lên 247,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 178,7 triệu đơn vị, giá trị 3.308,3 tỷ đồng.
Trong top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường chỉ có duy nhất VFS kết phiên giảm 1,5% xuống mức 19.900 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHS dẫn đầu thị trường với hơn 39 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, đóng cửa tăng 1,8%; tiếp theo là CEO tăng 7,6% và khớp 33,15 triệu đơn vị, MBS tăng 3,1% và khớp 13,4 triệu đơn vị, PVS tăng 2,4% và khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Một vài điểm sáng khác như LIG kéo trần thành công nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Kết phiên, LIG tăng 8,3% lên mức 3.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,26 triệu đơn vị và dư mua trần 0,26 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VC2 tăng 4,9% và khớp 3,24 triệu đơn vị, HUT tăng 4,3% và khớp 5,2 triệu đơn vị, PVC tăng 2,6% và khớp gần 3,1 triệu đơn vị, VGS tăng 4,5% và khớp gần 2 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ vào đầu phiên, nhưng thị trường đã nhanh chóng tìm lại sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,51%), lên 104,74 điểm với 215 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 111,3 triệu đơn vị, giá trị 1.038,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhà Masan – MSR nới rộng biên độ, kết phiên tăng 9,3% lên mức 21.100 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ HNG hồi phục thành công và đóng cửa tăng 1,5% lên mức 6.600 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 9,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, BVB tăng 1,4% và khớp gần 7 triệu đơn vị, ABB tăng 1,1% và khớp gần 3,5 triệu đơn vị; trong khi KLB giảm 2,4% và khớp gần 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng 41IF8000 đáo hạn gần nhất là ngày 21/8 đã tăng 13,1 điểm, tương đương +0,8% lên 1.752 điểm, khớp lệnh gần 263.570 đơn vị, khối lượng mở 31.530 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVPB2407 khớp lệnh lớn nhất với 6,66 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 200 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2406 khớp gần 5,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,9% lên 1.170 đồng/cq.
T.Thúy