Chính phủ giao Bộ Công Thương sớm kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil... Ảnh: Quỳnh Danh.
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, nhận định kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với thương chiến, xung đột địa chính trị và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các yếu tố mới, khó lường từ bên ngoài lẫn bên trong đang tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá. Từ đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ quan trọng.
Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi thuế đối ứng
Theo đó, Chính phủ khẳng định cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động phản ứng với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Các bộ, cơ quan, địa phương cần bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, xây dựng kịch bản ứng phó, phản ứng kịp thời. Khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý I phải phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì rà soát, đánh giá chính xác tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Cơ quan này cũng cần trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/7 năm nay đến ngày 31/12/2026 và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 107/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Các nhiệm vụ này cần hoàn thành trong tháng 4.
Sớm hoàn thiện Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
NHNN được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4 này.
Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu điện
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì trong việc hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trong tháng 4.
Chính phủ cũng yêu cầu phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, chất lượng cao; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... để sớm đưa vào vận hành.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ trình duyệt và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch. Bộ này phải bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện lớn, lưới điện quan trọng, không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào. Nếu để thiếu điện, Bộ trưởng Công Thương phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ động các giải pháp điều hành, cân đối cung cầu xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil... Tích cực trao đổi với các cơ quan của Mỹ để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, nhất là xi măng, sắt thép... (nhất là việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất đối với clinker), báo cáo Chính phủ trước ngày 15/4.
Thủy Tiên