Ngày 5/7, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, sau một thời gian điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 124 bị can, trong đó đáng chú ý có đến 80 bị can là nữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Trong 124 bị can bị khởi tố, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tạm giam 102 bị can, điển hình gồm: Trần Quang Đạo (SN 1992, có 1 tiền án) trú tại xã Đông Thạnh, TP Hồ Chí Minh cầm đầu đường dây tội phạm; Huỳnh Tấn Long, trợ lý của đối tượng Đạo; Phạm Quang Khải, nhân viên IT; Nguyễn Thành Đạt, quản lý; Võ Thành Nghĩa, Trần Thanh Quang, Nguyễn Thị Hoàng Hảo, cùng là trưởng phòng kinh doanh; Trần Ngọc Tình, Trương Ngọc Như Ngà; Nguyễn Tâm Liên, Lê Văn Sơn, Trần Phạm Tâm Đang, Trần Nguyên Hồng Ân, Văn Việt Quốc Huy, Lê Thiện Toàn, Nguyễn Thị Hồng Xuân, Ngô Thị Ngọc Hà, cùng chức vụ tổ trưởng kinh doanh…
Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khám xét các công ty do đối tượng Trần Quang Đạo điều hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người trên địa bàn cả nước.
Trước đó, như Báo CAND đã đưa tin, ngày 17/6, Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp với hàng trăm nhân viên, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn với số tiềm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng trăm nghìn người trên địa bàn cả nước (chủ yếu là người già, trên 50 tuổi) gây bức xúc lớn trong nhân dân, do Trần Quang Đạo cầm đầu.
Bị can Trần Quang Đạo thời điểm vừa bị Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Trần Quang Đạo nhờ người thân quen đứng tên người đại diện pháp luật để đăng ký thành lập 4 Công ty do Đạo trực tiếp quản lý, điều hành; tìm kiếm mua nguồn dữ liệu thông tin khách hàng (data) đã từng mua, sử dụng các sản phẩm bồi bổ sức khỏe; đăng tin tuyển chọn nhân viên, phân công vai trò, vị trí công việc cho từng bộ phận trong 4 công ty, giao cho 1 người quản lý mỗi công ty, trong các công ty lập ra các phòng (gồm phòng hành chính nhân sự, chăm sóc khách hàng và phòng kinh doanh, ở mỗi phòng có 1 trưởng phòng quản lý, phụ trách chung, được chia thành các tổ, trong các tổ có tổ trưởng và các nhân viên).
Trong các bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, có đến 80 bị can là nữ.
Đối tượng Đạo là người nghĩ ra “kịch bản”, yêu cầu các đối tượng quản lý, trưởng phòng truyền đạt, đào tạo và chỉ đạo nhân viên mạo danh là nhân viên các công ty chăm sóc sức khỏe, cơ sở y tế, công ty truyền thông gọi điện dụ dỗ, lôi kéo những người lớn tuổi, người yếu thế trong xã hội sử dụng miễn phí các sản phẩm dinh dưỡng để được trúng thưởng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ gia dụng có giá trị lớn, yêu cầu đóng các khoản phí nhiều lần để được nhận giải thưởng, mỗi lần đóng phí, khách hàng được tặng các sản phẩm kèm theo có giá trị ngày càng lớn làm khách hàng tin tưởng chuyển số tiền ngày càng nhiều hơn để hướng đến sẽ được nhận quà trúng thưởng có giá trị lớn hơn, đồng thời sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra. Thực tế, không có bất kỳ chương trình quay thưởng nào, các nạn nhân cũng không được trao quà trúng thưởng và trả lại tiền như đã hứa hẹn.
Qua thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2023 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nghìn người với số tiền hơn năm trăm tỷ đồng, trong đó chủ yếu là người già, thu nhập thấp, phải phụ thuộc vào lương hưu, tiền tiết kiệm, nguồn trợ cấp của gia đình, cần hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe nhưng thiếu thông tin thị trường, sản phẩm, kiến thức công nghệ.
Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý triệt để, nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng có hành vi phạm tội trong vụ án và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.
Minh Hiền