Giấy in chiếm phần lớn cơ cấu giá sách giáo khoa
Như Tiền Phong đưa tin, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cùng 7 bị can về 3 tội: "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cáo trạng xác định, từ năm 2017, ông Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục. Trên cương vị này, ông bị cáo buộc chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định, nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỷ, ông Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu (Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát) tổng số tiền 24,9 tỷ đồng.
Ở thời điểm kết thúc vụ án, cơ quan điều tra nhận xét, giá giấy in chiếm 30 - 40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa nên việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực và giá bán thấp. Từ đó, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế...
Qua vụ án, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong đó, phải cho kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo bộ về kết quả chọn nhà thầu.
Bị can Nguyễn Đức Thái (trái) cùng nhóm cựu quan chức Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sai phạm khiến giá sách tăng cao
Trước đó, cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng nêu hàng loạt sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số này có sai phạm trong lựa chọn đơn vị cung cấp giấy in.
Theo kết luận của TTCP, từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014-2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 đến 3 đơn vị được đơn vị này lựa chọn cung cấp giấy in sách giáo khoa trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của Nhà xuất bản (tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng).
Cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty Phùng Vĩnh Hưng cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy, giá giấy in công ty bán cho Nhà xuất cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).
"Những nội dung nêu trên cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm 'bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế'", TTCP từng kết luận.
Bên cạnh đó, TTCP còn phát hiện, Nhà xuất bản này bán 3 loại giấy in có mức thuế suất thuế GTGT đầu vào là 5% cho các nhà thầu trúng thầu in sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi xây dựng giá trần của gói thầu in, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tính chung vào với mức thuế của dịch vụ in sách giáo khoa có thuế suất thuế GTGT là 10%, làm giá trần gói thầu tăng thêm 5% thuế GTGT của 3 loại giấy dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa bằng giá Nhà xuất bản đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá...
Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ, trước năm 2014 và từ năm 2014 đến thời điểm thanh tra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể để phân bổ cho từng mảng hoạt động mà chỉ lựa chọn và thực hiện tiêu thức phân bổ các chi phí chung vào giá thành sách giáo khoa dựa trên tiêu thức tỷ lệ doanh thu; phân bổ chi phí chung không đúng tỷ lệ doanh thu của sách giáo khoa trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho sách cao hơn so với số liệu thực tế số tiền gần 70 tỷ đồng. Điều này dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách bằng giá Nhà xuất bản đã đăng ký từ năm 2011 cao hơn giá sách phải đăng ký đúng giá, với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng.
Kết luận còn nêu quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sai sót... Việc giao in gia công cho các nhà in là công ty con của mình chưa tiết kiệm được chi phí in, dẫn đến tăng chi phí sản xuất sách giáo khoa; định mức công in trực thuộc đơn vị còn quy định đơn giá công in đối với một số nội dung công việc không hợp lý.
Từ những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá mà Nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến thời điểm thanh tra. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị điều tra dấu hiệu "lợi ích nhóm" và làm rõ nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh có nhiều dấu hiệu bất thường.
Hoàng An