Có SGK tiếng dân tộc sẽ giúp thầy cô vùng cao thuận tiện hơn trong giảng dạy

Có SGK tiếng dân tộc sẽ giúp thầy cô vùng cao thuận tiện hơn trong giảng dạy
2 giờ trướcBài gốc
Sau khi Chính phủ ban hành quyết định về việc Phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030”, theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất thực hiện làm các bộ sách này. Điều này cho thấy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thể hiện vai trò trách nhiệm xã hội của mình, không chỉ là một đơn vị kinh doanh mà còn đóng góp để việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số trở nên thuận tiện, bài bản hơn.
Học sinh hào hứng vì được học tiếng dân tộc thiểu số
Theo thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu Trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang, cuối tháng 9 vừa qua, Ban dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dạy thử nghiệm 7 ngôn ngữ dân tộc thiểu số thuộc Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" là Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chí.
Chương trình học học thử nghiệm diễn ra trong 3 buổi, bắt đầu từ 13h30 ngày 28/9/2024 đến hết ngày 29/9/2024. Buổi học thử nghiệm được thực hiện bởi các giáo viên, nghệ nhân đều là những người có kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng dân tộc. Họ am hiểu tiếng dân tộc, có kỹ năng thành thạo nghe – nói – đọc – viết tiếng dân tộc thiểu số và có kiến thức, nghiệp vụ sư phạm.
Lớp học thử nghiệm tiếng dân tộc Tày được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC.
140 học sinh của trường đã tham gia vào các lớp học thử nghiệm này. Các em học sinh được làm quen và giới thiệu những những nét đặc sắc về văn hóa của các dân tộc, đặc điểm phát âm tiếng nói dân tộc thiểu số, bắt đầu với chủ đề chào hỏi, cách phát âm về các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba, câu văn chào hỏi thông thường, đoạn hội thoại giao tiếp.
Đặc biệt một số thầy cô đan xen cả những làn điệu câu hát vào trong bài dạy rất sinh động, đó là làn điệu dân ca Sán Chí, làn điệu Soong hao, những vần thơ bằng tiền dân tộc. Tại buổi học, các em học sinh chăm chú nghe giảng và hứng thú, sôi nổi xung phong phát âm, đọc đoạn thoại, đối thoại theo cặp, đọc bài thơ, học hát...
"Có những câu từ còn lạ lẫm với các em vì tại địa phương của một số em sinh sống, ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống sinh hoạt bằng tiếng dân tộc đã bị mai một, mặt khác do thói quen phát âm nên có những phương ngữ khác nhau trong cùng một dân tộc. Nhưng các em vẫn hăng hái luyện tập, thảo luận và trao đổi bằng ngôn ngữ dân tộc với các nghệ nhân, các bạn cả vào những giờ giải lao.
Thông qua buổi học thử nghiệm, các em học sinh nội trú như được mở mang, khắc sâu thêm ngôn ngữ dân tộc của mình thông qua đó củng cố tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy tiếng nói, bản sắc văn hóa của dân tộc" - thầy Bắc chia sẻ.
Lớp dạy thử nghiệm tiếng dân tộc Sán Dìu tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC.
Cô Vũ Thị Thoan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết địa phương đã triển khai dạy học tiếng Thái như một môn tự chọn hơn 10 năm nay.
Chương trình dạy nói và chữ viết cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về âm, vần, tiếng, từ và một số mẫu câu cơ bản.
Các bài học giáo dục các em tình cảm, đạo đức, niềm tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc Thái.
"Dân tộc Thái là một trong số ít các dân tộc thiểu số có chữ viết riêng. Các tác phẩm nổi tiếng, có tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Thái đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhưng trong cuộc sống hiện đại, tiếng nói và chữ viết Thái đang dần bị mai một. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn vốn chữ viết của các dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng là công việc rất quan trọng và cần thiết của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy văn hóa các dân tộc của địa phương" - cô Thoan bày tỏ.
Theo cô Thoan, trước đây, công tác dạy tiếng Thái có nhiều khó khăn do đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Nhưng trong 10 năm qua số lượng học sinh chọn môn tự chọn tiếng Thái tăng dần. Tín hiệu vui được phản ánh qua các hội thi, sân chơi, câu lạc bộ trong trường.
Sách giáo khoa tiếng dân tộc sẽ giúp học sinh nói tốt cả tiếng phổ thông
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha (xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) chia sẻ nếu tiếng dân tộc được giảng dạy trong trường bên cạnh học tiếng phổ thông sẽ giúp cho người giáo viên có môi trường tương tác với học sinh tốt hơn.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sam Kha có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Ảnh: NVCC.
Khi giải nghĩa tiếng phổ thông, học sinh chưa hiểu, người giáo viên có thể sử dụng tiếng dân tộc để giải thích, như vậy học sinh sẽ hiểu được đầy đủ nghĩa của từ mà thầy cô mong muốn, thông qua sự tương tác đó cũng giúp cho giáo viên gần gũi hơn với học sinh, nắm bắt được tâm lý các em tốt hơn.
Bên cạnh đó, ở nhà, các em chỉ được nghe ông bà, bố mẹ giao tiếp nên ngay cả tiếng dân tộc, vốn từ tích lũy được cũng chưa nhiều. Việc học sinh được học song ngữ (tiếng dân tộc và tiếng phổ thông) giúp các em tích lũy vốn ngôn ngữ tốt hơn, quy đổi ngữ ngữ nghĩa từ tiếng dân tộc sang tiếng phổ thông đầy đủ hơn.
Hiện nay trên địa bàn cả nước chưa có sách giáo khoa tiếng dân tộc nên địa phương buộc phải tự biên soạn chương trình giảng dạy riêng. Những người hiểu biết sâu về tiếng dân tộc không còn nhiều, rất khó cho việc tham khảo ý kiến để biên soạn chương trình giảng dạy. Thầy Hiếu hy vọng sớm có sách giáo khoa để các thầy cô thuận tiện giảng dạy.
“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn tiếng dân tộc thiểu số trở thành một môn tự chọn trong trường học là một quyết định đúng đắn. Sách giáo khoa tiếng dân tộc sẽ giúp cho giáo viên định hình được các nội dung cần truyền tải đến học sinh, học sinh cũng nắm được các nội dung cần chuẩn bị ở nhà và học tập trên lớp” - thầy Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số đòi hỏi phải có một lộ trình cụ thể trong việc tổ chức thực hiện vì giáo viên cần được tập huấn, đào tạo.
Biên chế cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cũng là một vấn đề phải quan tâm khi ngành giáo dục cũng như các ngành khác đang thực hiện tinh giản 10% đội ngũ. Cần phương án tối ưu để giáo viên không cảm thấy quá tải, áp lực khi giảng dạy thêm tiếng dân tộc thiểu số.
Trần Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-sgk-tieng-dan-toc-se-giup-thay-co-vung-cao-thuan-tien-hon-trong-giang-day-post246447.gd