Cơ sở đào tạo nhân lực kỳ vọng lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ

Cơ sở đào tạo nhân lực kỳ vọng lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
6 giờ trướcBài gốc
Ngành công nghiệp bán dẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế hiện đại, là nền tảng để thúc đẩy mọi lĩnh vực công nghệ cao phát triển. Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục thông thường, mà còn là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam vươn lên, gia tăng giá trị và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn để lắng nghe định hướng của mỗi trường trong việc phát triển nhân lực ngành này trong năm 2025.
Phát triển công nghiệp bán dẫn đáp ứng yêu cầu thời đại mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng có những đánh giá chung về vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)
“Ngành công nghiệp bán dẫn đã phát triển trên thế giới trong khoảng 60–70 năm qua và hiện tại vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chưa có dấu hiệu chững lại. Hằng năm, tỷ lệ doanh thu và tốc độ phát triển của ngành này không ngừng gia tăng, khẳng định vai trò là nền tảng của sự phát triển khoa học - công nghệ hiện đại và tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tương lai.
Vì vậy, chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc đề cao vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ. Việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao như vi mạch bán dẫn sẽ giúp đất nước giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp, một thách thức kéo dài nhiều năm qua, đồng thời mở ra những cơ hội phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng làm chủ công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực như điện, điện tử, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, robot, y tế và quốc phòng. Không chỉ vậy, việc tự sản xuất các thiết bị cốt lõi trong hệ thống điện tử tích hợp còn giúp giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài ở một số lĩnh vực trọng điểm.
Hơn nữa, sự phát triển của ngành này được dự báo sẽ nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động, thúc đẩy việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, tạo cơ sở cho nền kinh tế công nghệ cao và hiện đại hóa quốc gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: “Sự tự chủ về công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn không chỉ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho những sản phẩm “Made by Vietnam” khẳng định dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Trường Đại học Lạc Hồng nói riêng, các trường đại học nói chung đang đứng trước một thời khắc lịch sử để tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Với tinh thần đồng lòng và sự quyết tâm, tôi tin rằng chúng ta không chỉ góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, mà còn đưa tên tuổi Việt Nam chạm tới những đỉnh cao của bản đồ công nghệ thế giới”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. (Ảnh: NVCC)
Để Việt Nam có thể tạo đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi, quyết định mọi sự thành công của doanh nghiệp.
“Đội ngũ nhân sự sáng tạo, chất lượng mới sẽ giúp tổ chức đứng vững trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Vì vậy, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam cần tập trung đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bán dẫn, từ thiết kế vi mạch, sản xuất, đến kiểm tra và đóng gói sản phẩm. Cần thiết lập một hệ sinh thái toàn diện, từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất đến các dịch vụ hậu cần và thương mại. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm sự phụ thuộc vào các công đoạn gia công giá trị thấp.
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai và hạ tầng để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, việc thiết lập các khu công nghệ cao tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành này phát triển mạnh mẽ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo thầy Quỳnh, việc chuyển giao công nghệ tiên tiến và học hỏi từ các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách và đạt được những bước tiến lớn. Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển R&D: Research and Development có thể tạo ra những đột phá trong thiết kế và sản xuất vi mạch, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh báo cáo chuyên đề "Khám phá tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo" tại ngày hội sáng tạo mở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhận định: “Việt Nam sở hữu một số yếu tố tiềm năng để tạo ra đột phá trong lĩnh vực này, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất.
Hiện tại, mặc dù Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào thực sự chuyên sâu trong lĩnh vực bán dẫn và việc đào tạo tại các trường đại học vẫn chủ yếu dựa trên lý thuyết, thiếu điều kiện thực hành tiên tiến hoặc công cụ mô phỏng chuẩn công nghiệp, nhưng nguồn nhân lực kỹ thuật lại là điểm sáng. Số lượng kỹ sư người Việt làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực bán dẫn khá lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Từ yếu tố này, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy xu hướng đầu tư và thành lập chi nhánh tại nước ta. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ từng bước gia nhập và phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp công nghệ cao.
Yếu tố thứ hai chính là các chính sách và sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng và Chính phủ. Trong hơn một năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết và hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan và doanh nghiệp triển khai thực thi. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, thành công trong ngành này không thể thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các yếu tố mang tính địa lợi và thiên thời cũng đóng vai trò không nhỏ. Những biến động địa chính trị và xung đột kinh tế toàn cầu đang khiến nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn dịch chuyển đến các quốc gia có nguồn lao động chất lượng cao với chi phí hợp lý. Mà Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nêu quan điểm.
Các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia khóa học “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản”. (Ảnh: NTCC)
Đổi mới các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong năm 2025, khi đất nước tập trung phát triển các ngành công nghệ hiện đại, các trường đại học cũng cần có những đổi mới để thu hút, đào tạo và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.
Chia sẻ về nội dung này, Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã chủ động cập nhật và điều chỉnh các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ hiện đại từ năm 2012.
Cụ thể, các nhóm ngành được chú trọng bao gồm: Công nghệ Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (tập trung vào Vi mạch và Viễn thông), Công nghệ Kỹ thuật máy tính, Robot và Trí tuệ nhân tạo (định hướng lập trình nhúng và trí tuệ nhân tạo), Nhúng và IoT (chú trọng lập trình nhúng, IoT và kỹ thuật dữ liệu) và Cơ điện tử (tập trung vào thiết bị sản xuất và đóng gói).
Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
“Năm 2024, nhà trường đã triển khai tuyển sinh và đào tạo chương trình Thiết kế vi mạch. Năm 2025, nhà trường tiếp tục mở thêm ngành Vật lý kỹ thuật với định hướng tập trung vào vật liệu bán dẫn và công nghệ cảm biến. Với sự bổ sung này, nhà trường gần như đã hoàn thiện khả năng đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm các mảng từ vật liệu, thiết kế và phát triển sản phẩm, đóng gói và kiểm thử, đến sản xuất và bảo trì các thiết bị cơ điện tử trong dây chuyền.
Song song với đó, nhà trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gửi giảng viên, người học tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, thực tập tại các công ty vi mạch bán dẫn với mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giữa đào tạo và làm việc tại công ty.
Hơn nữa, tư duy đổi mới và sáng tạo là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển, vì vậy nhà trường đẩy mạnh khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua các cuộc thi, đề tài nghiên cứu khoa học, cùng các quỹ hỗ trợ thương mại hóa ý tưởng và sản phẩm tiềm năng”, Tiến sĩ Quách Thanh Hải thông tin.
Tư duy đổi mới và sáng tạo là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)
Trong khi đó, tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ rằng, từ năm học 2024–2025, nhà trường đã chính thức mở mới chuyên ngành đào tạo “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch”, nhằm cung cấp nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, vốn là mảng có giá trị gia tăng lớn nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn và là giai đoạn quan trọng trong chuỗi sản xuất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung phát triển.
Thầy Hiếu cho biết thêm: “Chuyên ngành này được xây dựng từ thế mạnh hiện có của nhà trường và lịch sử đào tạo nguồn nhân lực hơn 35 năm trong lĩnh vực này. Nhà trường hiện đáp ứng 2-3 trong 4 hướng chủ đạo của vi mạch bán dẫn và dự kiến sẽ tuyển dụng giảng viên chuyên môn cao, đồng thời đào tạo giảng viên ngành gần để mở rộng các chuyên ngành còn thiếu.
Trong năm 2025, nhà trường sẽ tăng cường quảng bá tuyển sinh, kết hợp với các trường trung học phổ thông để giúp học sinh hiểu hơn về ngành công nghiệp bán dẫn, phối hợp tổ chức các hoạt động về giảng dạy STEAM.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ sinh viên theo học ngành này dựa trên cơ sở phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng, hiện đang là địa phương đi đầu trong cả nước về kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong ngành”.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng làm việc với Công ty Qorvo - nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu thế giới về lĩnh vực Khoa học máy tính và Thiết kế chip. (Ảnh: NTCC)
Về phía Trường Đại học Lạc Hồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin, nhà trường nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) để đổi mới chương trình đào tạo, hướng tới chuẩn mực quốc tế nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho các kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhà trường phát triển các chương trình chuyên sâu bao gồm thiết kế vi mạch, sản xuất chip và kiểm tra vi mạch, lấy tiêu chuẩn từ các quốc gia hàng đầu về lĩnh vực này làm định hướng.
“Ngoài ra, Trường Đại học Lạc Hồng khuyến khích giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực bán dẫn và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, góp phần nâng cao uy tín học thuật. Đồng thời, triển khai học bổng toàn phần cho học sinh xuất sắc đạt giải các kỳ thi khoa học kỹ thuật và giảm 30% học phí cho sinh viên ngành vi mạch bán dẫn.
Mặt khác, nhà trường phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức các cuộc thi như RoboG, AI Robotics, Robocon để phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ. Cùng với chương trình thực tập tại doanh nghiệp như Onsemi và Tripod sẽ giúp sinh viên gắn kết lý thuyết với thực tiễn.
Nhà trường cũng dự kiến tổ chức các hội thảo và sự kiện quốc tế, tạo diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kết nối sinh viên với các cơ hội nghề nghiệp và học thuật trong lĩnh vực bán dẫn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ thêm.
Trường Đại học Lạc Hồng trang bị phòng thực hành vi mạch bán dẫn với phần mềm bản quyền Synopsys (Ảnh: NTCC)
Khát vọng cống hiến và góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới
Trước những thách thức lớn của kỷ nguyên vươn mình, các trường đại học đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn đặt nhiều kỳ vọng trong việc đóng góp, xây dựng nền tảng khoa học – công nghệ vững mạnh, đưa Việt Nam gia nhập vào nhóm các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Trường Đại học Lạc Hồng không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn mong muốn trở thành một trung tâm về nghiên cứu và đào tạo công nghiệp bán dẫn, tập trung vào các lĩnh vực như thiết kế, kiểm thử vi mạch và sản xuất chip.
Năm 2025, nhà trường đặt mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo để thu hút thêm sinh viên tài năng với định hướng đào tạo những thế hệ kỹ sư, nhà nghiên cứu xuất sắc và xây dựng cộng đồng học thuật sôi động, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng làm quen với công nghệ mô phỏng và thiết kế vi mạch tiên tiến. (Ảnh: NTCC)
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cũng chia sẻ về mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong năm 2025 tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: “Nhà trường kỳ vọng đội ngũ giảng viên của trường sẽ có các đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, các thầy cô sẽ xuất bản thành công sách, giáo trình để phục vụ giảng dạy, đào tạo và nhà trường có thêm nhiều khóa học, hội thảo định hướng nghề nghiệp thiết thực”.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Quách Thanh Hải khẳng định: “Là một mảnh ghép trong nhóm các trường đại học được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ đào tạo vi mạch bán dẫn, nhà trường cam kết sẽ nỗ lực, đoàn kết và đồng lòng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tôi thực sự kỳ vọng Việt Nam sẽ có một sự bứt phá mạnh mẽ để trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đóng gói và kiểm thử vi mạch hàng đầu trong khu vực, sánh vai với các cường quốc vi mạch bán dẫn trên thế giới”.
Phương Thảo
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-so-dao-tao-nhan-luc-ky-vong-linh-vuc-ban-dan-cua-viet-nam-but-pha-manh-me-post248856.gd