Cơ sở nào để Việt Nam đột phá trong năm 2025?

Cơ sở nào để Việt Nam đột phá trong năm 2025?
2 giờ trướcBài gốc
Tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu cập bến tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Cát Lái, TPHCM. Ảnh: T.Thủy
Vĩ mô ổn định, hấp dẫn dòng vốn
Năm 2024, trong bối cảnh thế giới tăng trưởng chật vật dưới tình trạng lạm phát cao cùng chính sách tiền tệ thắt chặt, những con số ở Việt Nam lại cho thấy sự ngoại lệ. Đặc biệt là trong quí 3 vừa qua, dù gặp nhiều trở ngại với cơn bão Yagi, kết quả tăng trưởng GDP tốt hơn dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước, đạt mức cao nhất kể từ quí 3-2022 và cũng ghi nhận mức kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ vùng đáy sau đại dịch Covid-19.
Theo Standard Chartered Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đạt mức “tăng trưởng tốt”, trong khi đó, nhóm phân tích của Ngân hàng UOB (Singapore) bình luận “vẫn đang đi đúng hướng”. Các động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu, ngành sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng cùng chính sách tiền tệ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng cũng như sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ.
Kết quả tăng trưởng một phần đến từ yếu tố ổn định, đồng thời là điểm nhấn vĩ mô của năm 2024, bao gồm lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, rủi ro tài khoán liên quan đến nợ công giảm bớt, nợ tư nhân ở mức không cao. Mặt khác, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1 điểm phần trăm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng vào cuối năm cũng là một diễn biến tích cực.
“Việt Nam phục hồi rất tích cực trong năm nay, và khả năng đạt mức tăng trưởng 7% là hoàn toàn khả thi”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, chia sẻ tại diễn đàn mới đây.
Trái với dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp tiếp tục chảy ra theo đà tăng của tỷ giá, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại là một điểm sáng của Việt Nam trong năm 2024. Trong thời gian qua đã có rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất, trong bối cảnh nhiều tập đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam.
Điển hình là câu chuyện của NVIDA, tập đoàn sản xuất chip lớn nhất mới đây công bố hợp tác với Việt Nam mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI, thúc đẩy ứng dụng AI và phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Mới đây, truyền thông cũng dẫn lại thông tin Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nói rằng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip và có các công ty "đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam".
Trong năm sau, hoạt động thu hút FDI dự báo vẫn khả quan, theo đánh giá của GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tại một diễn đàn gần đây. Trong đó, ông nhấn mạnh xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi, từ việc tập trung vào lao động giá rẻ sang khoa học - công nghệ và công nghệ cao.
Năm 2024 cũng ghi nhận Việt Nam thêm lần nữa lại nổi bật sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, với kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm, không chỉ có Việt Nam mà cả hai quốc gia mới nổi khác cũng đang được liệt kê vào nhóm cạnh tranh hút vốn, bao gồm Malaysia, một quốc gia cùng khối ASEAN với Việt Nam, và Ấn Độ với lợi thế cạnh tranh về quy mô.
Theo báo cáo của HSBC về ASEAN, khi những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao trong giai đoạn 2018-2019, các nhà đầu tư nước ngoài “nương náu” vào sự trung lập và cơ chế thương mại tự do của ASEAN. Dòng vốn FDI tăng vọt khi các chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này để tránh kiểm soát thương mại, cuối cùng vượt Trung Quốc để trở thành nơi tiếp nhận FDI lớn nhất châu Á.
“Mặc dù cả khối ASEAN đều được hưởng lợi, những căng thẳng về thương mại đã đẩy Việt Nam lên vị trí cường quốc sản xuất ngày nay. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chứng kiến thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng lên nhiều nhất”, báo cáo của HSBC bình luận về Việt Nam.
Giải quyết điểm nghẽn, cơ hội đón đầu
Cuối năm 2024, các nhà lãnh đạo Việt Nam mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2025, thậm chí nhắc đến con số 7,5-8%. Trong khi đó, các dự báo của các định chế tài chính quốc tế đặt mức 6,5-7%, còn theo nhóm nghiên cứu BIDV, dự báo trưởng là 6,6-6,8%.
Điều này phản ánh thêm rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mới, một khi giải quyết được những điểm nghẽn nội địa cũng như thách thức thương mại quốc tế.
Quan ngại đầu tiên được các chuyên gia đặt ra là câu chuyện của thương mại khi thế giới bước vào nhiệm kỳ “Trump 2.0”. Nói riêng thì Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico về quy mô Mỹ thâm hụt thương mại; còn nói chung tổng thể ASEAN thì thâm hụt của Mỹ đã tăng gấp đôi, lên mức 200 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2018-2023.
Việc áp thuế như thế nào cho đến nay vẫn chưa có ai khẳng định. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ tại điễn đàn gần đây, cho biết phía Mỹ vẫn đang cân nhắc về chính sách áp thuế, nhưng sắp tới có thể tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại, chú ý đến xuất xứ hàng hóa
Còn ông Lực thì cho rằng về vấn đề bảo hộ thương mại Việt Nam vẫn đang “hơi chủ quan”, có nhắc đến nhưng chưa đầy đủ. “Bảo hộ thương mại tăng gấp 3 lần trong 4 năm qua. Câu chuyện ngoại thương hiện nay hết sức phức tạp”, ông Lực nói.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, hiện nay Việt Nam vẫn đang quan sát và chờ xem bước đi đầu tiên từ phía Mỹ, nhưng không thể loại trừ kịch bản xấu cho dù rủi ro ở mức thấp. “Việt Nam vẫn cần chuẩn bị một kịch bản khi Mỹ đánh thuế trên diện rộng. Nếu kịch bản xấu xảy ra thì tác động có thể không chỉ đến xuất khẩu, mà còn với môi trường đầu tư”, ông Thành bình luận.
Một vấn đề tiếp theo được nhiều chuyên gia nhắc đến vào cuối năm là tháo gỡ những điểm nghẽn trong nền kinh tế, đó là câu chuyện của thế chế, bao gồm thúc đẩy tinh giản bộ máy, và kỳ vọng sự đi vào cuộc sống của những luật mới hoặc điều chỉnh bổ sung quy định. Đây cũng được xem là động lực tăng trưởng cho năm 2025.
Bên cạnh đó, một điểm nghẽn mà Chính phủ đang cố gắng giải quyết là tăng cường đầu tư hạ tầng. “Việc đầu tư hạ tầng mang lại lợi ích chia sẻ cho tất cả các bên, trong khi thời gian qua Việt Nam khá thận trọng đối với chính sách tài khóa”, ông Thành nhấn mạnh.
Con đường tháo gỡ điểm nghẽn dĩ nhiên còn nhiều khó khăn, chẳng hạn các quy định mới cho phép địa phương “tự quyết” nhiều hơn nhưng tốc độ giải quyết công vụ vẫn chưa được cải thiện, thậm chí nhiều địa phương còn tạm dừng. Dù vậy, một số điểm tích cực đầu tiên được các chuyên gia nhắc đến như ngày càng nhiều dự án công bố giải quyết vấn đề pháp lý, hay các dự án đầu tư công đã chuyển động đáng kể, không còn lặp lại tình trạng quá khứ đội vốn hay trễ hạn.
“Việt Nam đang hướng đến mục tiêu cao hơn và rất thách thức nếu không có đột phá. Nếu quyết liệt và thành công trong chuyển đổi, cải cách, tăng trưởng có thể ở mức 7,5-8%", TS. Cấn Văn Lực bình luận thêm. Trước đó, Chính phủ yêu cầu tăng trưởng năm 2025 đạt khoảng 8% để tạo đà cho giai đoạn 2026-2030 đạt tăng trưởng hai con số.
Dũng Nguyễn
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/co-so-nao-de-viet-nam-dot-pha-trong-nam-2025/