Cơ sở pháp lý thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Cơ sở pháp lý thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
2 giờ trướcBài gốc
Ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn cơ sở
Kỳ họp thứ 21 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII diễn ra trong thời điểm các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục những thiệt hại nặng nề do cơn Bão số 3 gây ra về người, tài sản. Đồng thời, các địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, HĐND tỉnh Hòa Bình tổ chức Kỳ họp thứ 21 để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời thực hiện các nhiệm vụ mới thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Kỳ họp, Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; chủ động nắm bắt thực tiễn đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị với HĐND, UBND và cơ quan hữu quan.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận và quyết định các nhóm vấn đề quan trọng như: việc giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 (lần thứ 3); cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 tỉnh Hòa Bình; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông huyện Lạc Sơn. Xem xét, thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; danh mục các dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…
Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị, UBND tỉnh đánh giá bổ sung nguyên nhân chủ quan của việc tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chưa cao; giải pháp xử lý đối với một số đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp, năng lực chuyên môn hạn chế ảnh hưởng chất lượng lập dự án, dự toán đầu tư và thi công dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sự cần thiết triển khai dự án khai thác mỏ sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy do Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn làm chủ đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết, đề nghị kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác) rà soát thu hẹp diện tích đất cần thu hồi, phân kỳ khai thác hợp lý, tiến độ hoàn nguyên kịp thời, công nghệ khai thác tiên tiến... bảo đảm phù hợp nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, phù hợp với các nguyên tắc của Luật Khoáng sản và quyền lợi của địa phương.
Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư
Cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng, đây là điều kiện cần thiết bảo đảm việc phát triển kinh tế - xã hội, đô thị văn minh, bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, cần xem xét về điều kiện hỗ trợ đối với diện tích chuồng nuôi để bảo đảm với tình hình thực tế tại các địa phương, quy định tối thiểu có thể diện tích nhỏ hơn 50m2. Ngoài ra, có thể bổ sung nội dung, mức hỗ trợ đối với công trình khác ngoài diện tích chuồng nuôi phải di dời, tháo dỡ như hệ thống bể biogas. Cùng với đó, rà soát đánh giá thực tế từ địa phương, các khu dân cư để đưa ra những chính sách phù hợp nhất, có thể vận dụng linh hoạt tại cơ sở…
Các đại biểu biểu quyết thông qua 6 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: T. Tâm
Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng các tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình và nghiên cứu, xem xét các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các nội dung trình tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 6 nghị quyết quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý để các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, huy động nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Nhằm bảo đảm các nghị quyết được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp có kế hoạch triển khai cụ thể, thực hiện hiệu quả các nghị quyết; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tiến đến thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Trần Tâm
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/co-so-phap-ly-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-post391996.html