Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ở thời điểm này là rất phù hợp. Nghị quyết nêu rõ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này. Đây là bước đi chiến lược, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực để các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở cấp độ cao nhất, và chắc chắn các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này.
Tôi đánh giá cao việc Nghị quyết quy định, bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược. Đây là nguồn chi cần thiết để nước ta vươn lên là quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong khu vực. Nghị quyết cũng đặt ra các mốc thời gian để hoàn thiện thể chế và bố trí nguồn lực, đó chính là yếu tố then chốt để bảo đảm tính thực thi.
Giới chuyên gia và các nhà khoa học cũng bày tỏ kỳ vọng, Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Quốc hội tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế gắn với sự phát triển khoa học công nghệ đã tồn tại trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết đã cho phép có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ; xem xét thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là hai đạo luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tôi tin rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ rà soát kỹ từng điều, khoản để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57 trong các dự án Luật này.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Khoa học, công nghệ được ưu tiên đặc biệt, là “chìa khóa” mở ra “cánh cửa tương lai”
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)
Đây là thời điểm cần thiết và chín muồi để ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bởi lẽ khoa học, công nghệ chính là “chìa khóa” mở ra “cánh cửa tương lai”. Nếu như không quan tâm đúng mức đến sự phát triển của khoa học, công nghệ sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển của đất nước.
Nghị quyết xác định rõ quan điểm, để nước ta “cất cánh” trong thời gian tới thì khoa học và công nghệ phải là ưu tiên đặc biệt. Đồng thời, muốn khoa học, công nghệ ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội thì cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ. Tôi đặc biệt quan tâm đến một lĩnh vực được thế giới quan tâm từ lâu nhưng lại tương đối mới mẻ với nước ta là trí tuệ nhân tạo. Chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý và phát triển trí tuệ nhân tạo. Do đó, tôi rất mong rằng, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm và sớm trình Quốc hội xem xét thông qua những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm rà soát, sửa đổi những luật mang tính chất “hành chính” về khoa học công nghệ. Qua tiếp xúc cử tri là các nhà khoa học, nhiều ý kiến phản ánh, quy trình nghiệm thu sản phẩm là đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ quá phức tạp và rắc rối, khiến người làm khoa học chân chính rất “nản”. Những người làm khoa học chủ yếu tập trung vào chuyên môn, nhưng khi nghiên cứu các đề tài lại sa chân vào “rừng” thủ tục hành chính, rất rườm rà, liên quan đến kinh phí, thanh toán, quyết toán chưa hợp lý. Do đó, cần rà soát để sửa đổi bổ sung một cách đồng bộ các quy định liên quan đến phát triển khoa học công nghệ.
ĐBQH Khóa XI, XII, XIV, TSKH Nghiêm Vũ Khải: Rõ ràng, toàn diện và thực sự đột phá
ĐBQH Khóa XI, XII, XIV, TSKH Nghiêm Vũ Khải
Là một trong những người gắn bó với sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôi rất vui mừng khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, coi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Các giải pháp nêu trong Nghị quyết rất rõ ràng, toàn diện và thực sự đột phá. Ấn tượng lớn nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, cho thấy sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện từ người đứng đứng đầu hệ thống chính trị và đất nước đối với lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.
Về thành phần Ban Chỉ đạo Trung ương, tôi đề xuất có thể học tập thêm kinh nghiệm của các nước, như Nhật Bản có Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia với 5 bộ trưởng đương chức trong các lĩnh vực trọng yếu có liên quan đến khoa học, công nghệ, 5 nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực mà Nhật Bản cần phát triển, 5 doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước có đầu tư và phát triển khoa học công nghệ.
Thực tế cho thấy, nhiều chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được triển khai rất chậm hoặc không triển khai được, trong đó có chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, lần này, với sự chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chắc chắn các chính sách về khoa học công nghệ sẽ được triển khai ngay và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Tôi kỳ vọng rằng, mỗi một dự án lớn của quốc gia không phải chỉ vì mục đích kinh tế mà còn góp phần phát triển trình độ khoa học công nghệ của đất nước. Đặc biệt, giới tri thức rất hân hoan chào đón và sẵn sàng triển khai thực hiện Nghị quyết theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nhất là những chính sách đầu tư cho khoa học, công nghệ, chính sách đối với nhà khoa học. Trong đó có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Đây là một chính sách rất đúng đắn và động viên đội ngũ trí thức. Vì làm khoa học có những trường hợp rủi ro cả về danh dự, tính mạng do những sự cố gây mất mát, thất thoát, dù làm đúng quy trình, quy chuẩn của khoa học mà bị quy trách nhiệm thì không ai dám làm.
Tôi cũng đánh giá cao những chính sách về chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, xã hội hóa nguồn ngân sách nhà nước, những chính sách rất thiết thực là động lực cho phát triển khoa học và công nghệ.
Hoàng Ngọc thực hiện