Một bức ảnh chụp X-quang kỳ dị, cho thấy cơ thể bệnh nhân chứa đầy nang sán dây đã trở thành chủ đề gây sốc trên mạng xã hội X (Twitter cũ), sau khi được bác sĩ cấp cứu Sam Ghali chia sẻ cùng lời cảnh báo: “Đây là một trong những phim X-quang điên rồ nhất mà tôi từng thấy.”
Trong hình ảnh, toàn bộ phần thân dưới của bệnh nhân, từ hông đến chân, xuất hiện chi chít những mảng trắng hình thoi như mưa đá bên trong cơ thể. Bác sĩ Ghali xác nhận đây là biểu hiện điển hình của bệnh ấu trùng sán dây heo, tên khoa học là cysticercosis, do loài ký sinh trùng Taenia solium gây ra.
“Cơ thể bệnh nhân này bị nhiễm đầy nang ấu trùng của sán dây heo, thứ mà chúng tôi thường gọi là ‘canxi hóa hạt gạo’ vì hình dạng đặc trưng trên X-quang,” bác sĩ Ghali giải thích.
“Đây là một trong những phim X-quang điên rồ nhất mà tôi từng thấy", bác sĩ Sam Ghali chia sẻ. (Ảnh: @EM_RESUS/X)
Ông cho biết bệnh nhân bị nhiễm sau khi ăn thịt heo sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Tuy nhiên, điều nguy hiểm không nằm ở việc ăn sán trực tiếp, mà ở việc nuốt phải trứng sán – thường qua đường phân-miệng, khi người nhiễm không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
“Vòng đời của sán bắt đầu khi một người ăn phải thịt heo chưa chín có chứa nang sán. Con sán trưởng thành phát triển trong ruột và đẻ trứng. Nếu trứng này truyền sang người khác qua tiếp xúc phân-miệng, người đó sẽ bị nhiễm cysticercosis,” Ghali giải thích thêm.
Ở bệnh nhân nói trên, các nang sán không xâm nhập vào não mà chỉ nằm ở phần mô mềm quanh hông và chân, nên không gây nguy hiểm tức thì. Trớ trêu thay, bức X-quang chỉ được chụp sau khi người này bị ngã và gãy xương, hoàn toàn không liên quan đến triệu chứng ký sinh trùng.
“Mặc dù nhìn rùng rợn, các nang sán ở phần cơ thường không gây biến chứng ngay. Nhưng nếu chúng di chuyển lên não, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều,” bác sĩ cảnh báo.
Trong trường hợp ấu trùng di chuyển vào hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể mắc bệnh sán não (neurocysticercosis), dẫn đến triệu chứng như đau đầu kéo dài, lú lẫn, động kinh và thậm chí tử vong nếu không điều trị.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tình trạng mất vệ sinh, thực phẩm kém an toàn và thói quen ăn thịt tái là nguyên nhân chính gây lây nhiễm. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2,8 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm sán dây heo, với số ca bệnh tập trung tại châu Á, Nam Mỹ và Đông Âu. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tình trạng mất vệ sinh, thực phẩm kém an toàn và thói quen ăn thịt tái là nguyên nhân chính gây lây nhiễm.
“Lời khuyên của tôi là: hãy giữ vệ sinh tốt nhất có thể, luôn rửa tay sạch sẽ và tuyệt đối đừng ăn thịt heo sống hoặc chưa nấu chín,” bác sĩ Ghali nhấn mạnh trong phần kết thúc bài đăng.
Thông điệp của ông nhanh chóng lan truyền, thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự rùng mình trước hình ảnh cơ thể “đầy sạn trắng như rải muối” và hứa sẽ nhìn lại thói quen ăn uống của mình, nhất là với các món heo tái, lòng lợn hay tiết canh – vốn vẫn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngọc Bảo (Theo NYPost)