Luật sư Bùi Đức Nhã.
- Luật sư Bùi Đức Nhã - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Phạt tù là một trong số các hình phạt chính được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015. Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015.
Việc áp dụng hình phạt của Tòa án nhân dân phải dựa trên các căn cứ được Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 50 như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Như vậy, khi quyết định hình phạt Tòa án căn cứ vào: Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thân phận người phạm tội như họ là ai? Công tác, học tập làm việc ở đâu? Có thành tích gì được khen thưởng không?... Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp áp dụng hình phạt tiền thì Tòa án còn căn cứ thêm vào tình hình tài sản, khả năng thi hành án của người phạm tội. Quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự về tội phạm đó.
Từ căn cứ trên suy ra, bạn có thể đề nghị xin áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù nếu: Hình phạt tiền cũng phải là hình phạt chính của tội phạm. Thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 35 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ 1: A bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. A đã thành niên, không có vấn đề về sức khỏe, hoàn toàn tự chủ khi thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;…
Hình phạt chính áp dụng cho tội danh này là phạt tù dù người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nào của Điều 174. Điều này có nghĩa là, anh A không thể được áp dụng hình phạt tiền thay cho phạt tù.
Ví dụ 2: B đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Xâm phạm quyền bình đẳng giới.
Tại Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội Xâm phạm quyền bình đẳng giới: Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên.
Theo quy định trên, hình phạt chính cho tội phạm này là phạt tiền hoặc phạt tù. Lúc này, người phạm tội có thể đề nghị được áp dụng hình phạt tiền thay phạt tù. Lý do là trong khoản 2 có hai hình phạt chính được áp dụng là phạt tù hoặc phạt tiền.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc đề nghị thay thế hình phạt áp dụng là quyền của người phạm tội nhưng quyết định cuối cùng là của Tòa án. Khi ra quyết định áp dụng hình phạt, Tòa án cũng sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Đối chiếu các quy định nêu trên, người phạm tội có thể xin đề nghị phạt tiền thay phạt tù nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định.
Thương Thương - Minh Đức