Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.
Ủng hộ đẩy mạnh phân cấp phân quyền khi sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), song cần cân nhắc rất kỹ và báo cáo đầy đủ để Quốc hội thảo luận, theo ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (Dự thảo).
Một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận là Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ông ủng hộ đẩy nhanh việc phân cấp, phân quyền khi sửa luật.
Tuy nhiên, ông Thanh phân tích, khi đưa các dự án điện hạt nhân vào trong thẩm quyền của Quốc hội không chỉ có quy mô vốn mà còn cả các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Và các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù đã có ở trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cùng với việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Thủ tướng Chính thì những dự án điện hạt nhân ở luật này có được áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù ở trong dưh án điện hạt nhân Ninh Thuận hoặc có thêm những cơ chế đặc biệt, đặc thù gì khác không để rút ngắn quá trình đầu tư? Vì chắc chắc nếu không đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện hạt nhân sắp tới thì an ninh năng lượng của chúng ta sẽ có vấn đề, ông Thanh nhìn nhận
Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị có quy trình, thủ tục đầu tư thuận lợi hơn nữa cho các dự án điện hạt nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, điểm khác biệt rất lớn trong dự án luật này với Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư là, thay vì thẩm quyền Quốc hội thì đề xuất là giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án điện hạt nhân.
“Đây là vấn đề rất lớn, ủng hộ quan điểm chung về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tuy nhiên đối với dự án điện hạt nhân thì đề nghị hết sức thận trọng, cần báo cáo đầy đủ và kỹ lưỡng với Quốc hội để xem xét quyết định vấn đề này”, ông Tùng nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp phân tích, nhà máy điện hạt nhân là dự án rất quan trọng và tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường, đến kinh tế - xã hội, đến mục tiêu phải di dân để thực hiện dự án, không kể quy mô vốn (đương nhiên vốn rất lớn) đều là những tiêu chí theo pháp luật hiện hành là thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
“Nếu chuẩn bị kỹ hồ sơ và trình Quốc hội để Quốc hội xem xét quyết định cũng đâu mất nhiều thời gian hơn so với việc giao cho Thủ tướng Chính phủ. Chỗ này tôi đề nghị cân nhắc rất kỹ. Khi trình Quốc hội hồ sơ đầy đủ và đại biểu Quốc hội thảo luận cũng là một dịp để tuyên truyền và vận động nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng. Thông qua quyết định của Quốc hội thì tính pháp lý cũng như tính đồng thuận rõ ràng cao hơn”, ông Tùng phát biểu.
Với tất cả những yếu tố rất quan trọng liên quan đến dự án điện hạt nhân nói chung, Chủ nhiệm Tùng đề nghị làm rõ để báo cáo đầy đủ hơn với Quốc hội khi thực hiện việc phân cấp thẩm quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chí chứ không phải chỉ có một tiêu chí vốn.
Nội dung này cần tiếp tục làm rõ để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định, ông Tùng nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Phan Văn Mãi cũng ủng hộ tinh thần phân cấp mạnh mẽ, song cho rằng cần có sự thống nhất để giải quyết công việc nhanh nhưng rạch ròi về thẩm quyền, về quy trình, cách làm và sau đó là trách nhiệm, hiệu quả.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, phân cấp, phân quyền hiện nay đang là chủ trương chung, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ cấp trên xuống cấp dưới để linh hoạt, chủ động hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nhưng điện hạt nhân là một vấn đề mới, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân, an toàn hạt nhân là vấn đề cần được đặt lên trên hết và trước hết. Vì thế, theo Phó thủ tướng phải làm rõ cơ sở của việc phân cấp, phân quyền và tác động của nó thế nào.
Phó thủ tướng bày tỏ quan điểm cá nhân, có thể quy định theo hướng đối với những dự án quy mô nhỏ và vừa thì tiếp cận theo quy mô dự án chứ không phải quy mô vốn. Dự án nhỏ và vừa thì có sẵn các công nghệ, có sẵn mô đun, đã được tiêu chuẩn hóa thì có thể kiểm soát được, nên giao cho Chính phủ, cho Thủ tướng. Còn những dự án quy mô lớn (ví dụ trên 2000 MW – tương đương nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây) tác động trong quá trình vận hành cho đến dừng hoạt động, sau dừng hoạt động đều rất lớn, vẫn phải để Quốc hội giám sát và quyết định.
Ông Dũng cho hay sẽ giải trình rõ hơn tại sao lại phân quyền cho Thủ tướng và các vấn đề tác động liên quan như thế nào, xử lý thế nào để đảm bảo an toàn mà vẫn chủ động.
“Chủ trương thì Quốc hội biểu quyết, nhưng còn dự án cụ thể thì nên chủ động cho Chính phủ. Nhưng, qua ý kiến thảo luận tại phiên họp, chúng tôi xin báo cáo lại với Thủ tướng xem có nên ủy quyền theo quy mô dự án hay không? Ví dụ quy mô vừa và nhỏ thì giao cho Thủ tướng, còn quy mô lớn từ 2.000 MW trở lên vẫn phải để Quốc hội giám sát và quyết định”, Phó thủ tướng nói.
Nguyễn Lê