Có thuốc và phương pháp nào điều trị nghiến răng khi ngủ?

Có thuốc và phương pháp nào điều trị nghiến răng khi ngủ?
19 giờ trướcBài gốc
1. Nghiến răng khi ngủ có gây hại không?
Nghiến răng khi ngủ là một rối loạn cử động liên quan đến giấc ngủ. Nghiến răng là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự siết chặt hoặc nghiến của răng và/hoặc bởi sự giằng và đẩy của hàm dưới. Hoạt động này có thể tạo nên âm thanh ken két hoặc không.
Nghiến răng khi ngủ thường xảy ra một cách vô thức. Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh thường đi kèm với tình trạng stress, lệch khớp cắn, dị ứng và liên quan đến tư thế ngủ.
Nghiến răng khi ngủ thường xảy ra ở giai đoạn đầu của giấc ngủ. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên. Nghiến răng mạn tính và nghiêm trọng có thể dẫn đến đau hàm, đau đầu, tổn thương răng và các vấn đề sức khỏe khác.
Nghiến răng khi ngủ có thể dẫn đến tổn thương răng, đau hàm và các vấn đề về giấc ngủ.
2. Điều trị chứng nghiến răng khi ngủ như thế nào?
Có thể điều trị chứng nghiến răng bằng cách điều trị nguyên nhân tiềm ẩn và/hoặc đeo dụng cụ bảo vệ miệng. Các lựa chọn bao gồm:
2.1. Máng chống nghiến răng
Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng nghiến răng khi ngủ. Máng chống nghiến răng có thể cải thiện tình trạng nghiến răng, bảo vệ răng trên/dưới khỏi bị hư hại và giúp hàm thẳng hàng hơn, giảm nguy cơ mắc các rối loạn khớp thái dương hàm.
Hiện nay, có một số loại máng chống nghiến răng còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm dần dần, từ đó giảm tần suất nghiến răng. Nếu khớp cắn bị lệch, bác sĩ cũng có thể tư vấn điều chỉnh khớp cắn đúng vị trí để giảm ảnh hưởng đến cơ nhai và răng.
2. 2. Thuốc điều trị nghiến răng khi ngủ
Một số thuốc có thể được sử dụng để giảm tổn thương răng và các cơ quan xung quanh:
- Thuốc giãn cơ: Uống thuốc giãn cơ trước khi đi ngủ có thể giúp giãn cơ hàm và giảm nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, chỉ sử dụng nếu nghiến răng là thứ phát sau một sự kiện căng thẳng ngắn hạn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Thuốc giảm đau: Giúp giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng không kiểm soát và đau đớn do chứng nghiến răng khi ngủ gây ra.
- Thuốc chống trầm cảm: Giúp giảm stress, giảm các cảm xúc tiêu cực gây ra chứng nghiến răng khi ngủ.
- Tiêm botox: Có thể áp dụng trong trường hợp mắc chứng nghiến răng khi ngủ nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Tiêm botox để thư giãn tạm thời các cơ hàm, cần lặp lại sau mỗi 3-4 tháng.
Máng chống nghiến răng có thể cải thiện tình trạng nghiến răng khi ngủ.
2.3. Một số biện pháp khác
- Căng thẳng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng nghiến răng thứ phát. Các kỹ thuật giảm căng thẳng như tập thể dục, thiền, bài tập thở sâu và thư giãn cơ tiến triển, đi ngủ đúng giờ và đủ thời gian, massage cơ mặt, hạn chế dùng chất kích thích, thay đổi môi trường ngủ dễ chịu thoáng mát... có thể giúp giảm các triệu chứng nghiến răng.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể giúp người bệnh học cách kiểm soát căng thẳng và lo lắng nếu đây là nguyên nhân gây ra các triệu chứng nghiến răng.
- Thay đổi lối sống: Giảm lượng caffeine, hạn chế uống rượu và cai thuốc lá có thể giúp giảm nghiến răng nếu nguyên nhân cơ bản là do các yếu tố lối sống này.
3. Có thể phòng ngừa nghiến răng khi ngủ không?
Sau đây là một số mẹo giúp giảm nguy cơ mắc chứng nghiến răng:
- Thực hành các kỹ thuật tự chăm sóc và quản lý căng thẳng để ngăn ngừa nghiến răng liên quan căng thẳng và lo lắng.
- Duy trì thói quen ngủ lành mạnh và thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt.
- Hạn chế sử dụng caffeine và rượu, bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc.
- Khám răng định kỳ để phát hiện sớm tình trạng răng bị mòn và có thể điều trị nghiến răng sớm nhất.
Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm hỏng răng bạn
BS. Phan Nhung
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/co-thuoc-va-phuong-phap-nao-dieu-tri-nghien-rang-khi-ngu-16925011313371096.htm