Vượt khó cải tạo chùa cổ
Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 170km về phía Nam, mất hơn 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô, chúng tôi có mặt tại chùa Hồi Long, ở thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa. Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt, bao quanh xóm làng yên bình, thanh tịnh, đây là một trong số những ngôi chùa lớn nổi tiếng được xây dựng vào thời Lý (thế kỷ thứ XI) ở Thanh Hóa, tọa lạc giữa cồn cát, nơi địa thế cao không bao giờ ngập lụt, thuộc thế “Tọa sơn, hướng thủy”, tựa lưng vào dãy núi Linh Trường, mặt hướng về nơi gặp gỡ của hai dòng sông là sông Mã và sông Cung.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan, Trụ trì chùa Hồi Long ở xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Lịch sử còn ghi chép, trước năm 1945, đồng chí Tố Hữu đã về đây cùng với đồng chí Lê Quang Trường và một số cán bộ tại địa phương gây dựng cơ sở cách mạng. Các cán bộ tiền khởi nghĩa đã lấy chùa làm đầu mối liên lạc hoạt động cách mạng, là nơi thường xuyên tổ chức hội họp. Tuy nhiên, theo năm tháng, chùa cổ xưa chỉ còn giữ nền cũ và cổng tam quan. Chính vì ý nghĩa tâm linh to lớn và những giá trị lịch sử quý giá cần được bảo tồn, UBND huyện Hoằng Hóa đã phê duyệt cho phép phục dựng lại ngôi chùa Hồi Long trên cơ sở công đức thập phương. Năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã bổ nhiệm sư thầy Thích Đàm Ngoan về trụ trì chùa. Kể từ đây, sư thầy ngày đêm đau đáu về chùa.
Với ý nguyện xây dựng lại nơi sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, đem giáo lý tốt đẹp của Phật đến mọi người, sư thầy Thích Đàm Ngoan cùng các tăng ni phật tử và đông đảo khách thập phương không ngừng đóng góp tài lực, trí tuệ tu tạo ngôi chùa. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa và lòng hảo tâm công đức của tăng ni phật tử, bà con nhân dân, chùa Hồi Long được xây dựng như khang trang. Chùa có diện tích 1,4ha, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích chùa cổ Hồi Long thiết kế theo hình chữ công, gồm: Khu tâm linh, khu từ thiện và khu dưỡng lão.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan yêu thương, chăm sóc các em nhỏ tại chùa Hồi Long.
Tòa tam bảo của chùa xây dựng công phu, nền chùa được tôn tạo cao 1,8m. Lầu chuông nổi bật nằm gần ngôi tam bảo. Sau tam bảo là giảng đường và nhà thờ tổ, bên phải là nhà mẫu, lầu trống, điện hộ pháp, bên trái là nhà tứ ân, lầu chuông, điện hộ pháp.
Với “tay không bắt giặc”: Không tiền, không kinh nghiệm…, sư thầy Thích Đàm Ngoan đã “liều mình” cùng phật tử xây dựng ngôi chùa khang trang, sạch đẹp. Sư Ngoan nhớ lại những ngày đầu: “Khi đó, thầy chưa đầy 30 tuổi, xung quanh chùa cỏ cây rậm rạp, um tùm, hoang vắng. Nhưng nhờ nỗ lực và sự cộng hưởng của các phật tử, nhà hảo tâm, bao khó khăn rồi cũng qua, để có ngôi chùa được phật tử thập phương yêu mến như hôm nay”.
Điểm tựa của đàn con
Công sức phục hồi, xây dựng chùa cổ là vậy, nhưng “điểm nhấn” để lại ấn tượng, cảm phục nhất đối với du khách thập phương và người dân chính là sư thầy đã thành lập Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long - nơi cưu mang, dạy dỗ trẻ em mồ côi, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, làm điểm tựa cho các con.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan vui cùng các con ở chùa Hồi Long.
Trung tâm được thành lập cuối năm 2018, trực thuộc Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; là mái nhà ấm áp của nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện, trung tâm đang nuôi dưỡng 40 cháu, cháu nhỏ nhất 8 tháng tuổi, được chia thành 2 lớp dành cho trẻ mầm non; có 2 người chuyên trông trẻ, 4 bảo mẫu, 1 cấp dưỡng để phục vụ nhu cầu ăn, học. Ngoài ra, sư thầy còn hỗ trợ nuôi hơn 70 cháu bên ngoài, với số tiền trung bình từ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Mỗi cháu ở Trung tâm là một mảnh đời bất hạnh khác nhau. Có cháu bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi chào đời, có cháu bị mất cả cha, mẹ; có cháu bị mẹ bỏ ngay cổng chùa... nhưng tất cả đều được trung tâm đùm bọc, che chở, chăm sóc, yêu thương.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng có bé chạy lại gọi sư phụ, sư phụ… hình ảnh những đứa trẻ đáng yêu, vô tư, hồn nhiên gọi sư thầy là sư phụ khiến tôi vô cùng xúc động. Bởi, chỉ có sư thầy là người chúng có thể bấu víu, nũng nịu; sâu thẳm trong tâm hồn trẻ thơ ấy ẩn chứa nỗi buồn và nhiều thiệt thòi.
Mỗi bạn ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi cái tên đều gắn với sự kiện, đặc điểm khác nhau. Như bạn Cà rốt là sư thầy nhặt được ngay cổng chùa. “Người mềm như bún, da đỏ rực nên sư thầy đặt tên là Cà rốt” - sư thầy Thích Đàm Ngoan kể. Hay bé Gạo được người làm trong chùa phát hiện khi đang nằm giữa trời nắng chang chang, bên mép ruộng gần cổng chùa. Vừa nhặt được bé Gạo thì có 2 vợ chồng ở Hải Dương đến thăm, tặng gạo, thầy nhờ hai vợ chồng đặt tên cho con, hai vợ chồng đặt tên cho bé là Minh Châu, còn sư thầy gọi bé là Gạo. Những đứa trẻ dù lành lặn hay bệnh tật, đều được đặt cho những cái tên rất đẹp, ý nghĩa như: Bảo Minh, Bình An, Bình Minh, Bảo An, Hải Yến… đó là hy vọng để tương lai của các con sẽ may mắn, bình an và hạnh phúc.
Mắt đỏ hoe, sư thầy Thích Đàm Ngoan nói: “Thương lắm! Có bạn khi vào đây giống hệt người rừng, không cho ai tắm gội, không cho đụng vào người… Thầy phải trực tiếp nhốt lại, tắm gội mấy tháng, dắt đi nhà vệ sinh chỉ bảo từng tý một. Đến nay đã 7 - 8 tuổi rồi nhưng nhiều khi vẫn chưa sạch lắm đâu, phải có người hỗ trợ. Các con như vậy nhưng sư thầy không giận, không ghét bỏ mà càng thương hơn”.
Sư Ngoan nhớ nhất là cháu Bình An, tên ở nhà là Sâu - vì cựa như con sâu. Sâu sinh non, chỉ 1,4kg. Một tháng sau ngày đón con trong bệnh viện trở về, con được 1,8kg. Buổi đầu, sư thầy còn bỡ ngỡ, lúng túng lắm! Cứ nghĩ con chỉ ăn 20ml nên mấy ngày liên tục chỉ pha như thế mà không tăng lượng nên con ăn xong vẫn khóc ngằn ngặt vì đói. Sư phải nhờ y tá đến hướng dẫn từ cách tắm, cách cho con ăn, vệ sinh cho con... “Bây giờ thành chuyên gia rồi. Mỗi đêm, các con khóc là sư đưa về phòng ôm ấp, dỗ dành, vỗ về, các con sẽ ngủ ngoan” - sư thầy Thích Đàm Ngoan cười nói.
Không biết bao nhiêu lần sư thầy phải khóc vì bé Sâu. Sư Ngoan chia sẻ: “Chăm sóc Sâu mà sư bị stress. Bạn Sâu là bạn đầu tiên, chưa quen chăm sóc trẻ sơ sinh nên sợ. Giờ Sâu 5 tuổi, nhanh nhẹn, hoạt bát, người đậm đậm, chắc chắc, vui vẻ, thích biểu diễn, thường tự lấy khăn choàng để làm thời trang; thích hát, thích diễn trò hài”.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan với các em nhỏ ở vùng cao Thanh Hóa.
Các con nhỏ thì vất vả khi chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng khi lớn lại khó khăn dưỡng dục kiểu lớn. Sư Ngoan tâm sự: “Tuổi dậy thì, tâm sinh lý các con thay đổi, mình phải sát sao tìm hiểu, động viên, trò chuyện… để hiểu và chia sẻ với các con, từ đó mình chăm sóc, định hướng cho các con tốt hơn”.
Vất vả là vậy nhưng “mỗi lần mệt mỏi, gặp các con, đứa nào cũng ùa ra ôm vai bá cổ, quấn quýt không rời là bấy nhiêu mệt mỏi lại tan biến hết…” - sư Ngoan xúc động nói.
Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng các con tại trung tâm, sư Ngoan còn hỗ trợ, chu cấp cho hơn 70 con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với số tiền trung bình từ 500 nghìn đồng/tháng, tùy từng cháu. Cháu nào học tốt, nhu cầu cho học tập nhiều như mua máy tính, sách giáo trình… sư thầy hỗ trợ thêm; có bạn sư thầy hỗ trợ đến 30 triệu đồng/năm. Các bạn học giỏi thầy ưu tiên. Có thể kể đến em Hà Nguyễn Khánh Hồng, dân tộc Mường, học sinh lớp 8, Trường THCS Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) là học sinh giỏi vừa được thầy hỗ trợ 1 xe điện đi học. Khánh Hồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tích, em ở cùng bà nội là Trương Thị Ngoan năm nay đã gần 70 tuổi.
Những năm qua, bà cháu rau cháo nuôi nhau, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng đặc biệt là sự hỗ trợ của sư thầy Thích Đàm Ngoan giúp em đỡ vất vả hơn mỗi ngày đến trường. Bà nội em ngậm ngùi nói với tôi: “Dạo này cháu đang ôn thi học sinh giỏi Văn, đi học suốt ngày, buổi tối cũng phải đến nhà cô giáo học. May mà có xe điện của sư thầy để cháu đỡ khổ. Mưa lạnh, trời tối cháu đi về nhanh, tôi cũng yên tâm hơn. Tôi biết ơn sư Ngoan nhiều lắm!”.
Để có thể ủ ấm tâm hồn các con, giúp con hòa nhập với thế giới bên ngoài, sư thầy và những người làm việc tại chùa đã tâm huyết, kiên trì, nhiệt tình giúp đỡ các con. Trò chuyện với tôi, bà Lường Thị Kết (xã Hoằng Thanh) - người gắn bó với chùa, với sư thầy 16 năm nay, từ những ngày đầu bỏ móng xây chùa. Bà chứng kiến sự vất vả của sư Ngoan, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh ở trung tâm. Bà Kết nói: “Thương sư thầy lắm! Ngưỡng mộ sư thầy vì công sức bỏ ra cho ngôi chùa khang trang. Thầy ăn ít, ngủ ít, suốt ngày lo cho các con, lo cho người làm. Mỗi lần các con ốm đau, sư thầy lăn lộn cùng bảo mẫu chăm lo. Người thì nhỏ nhưng lòng thầy rộng, gánh vác nuôi cho hơn trăm đứa con cả trong và ngoài chùa, lại lo tiền công cho các cô giáo, bảo mẫu, nhân công. Sư Ngoan xem các cô như chị em trong gia đình của mình vậy”.
Sư thầy Thích Đàm Ngoan tâm sự: “Thầy coi việc cưu mang các con là nhân duyên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tâm nguyện duy nhất của sư thầy là để các con có một mái ấm, khôn lớn, trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội và được đoàn tụ với gia đình. Dù đi đâu về đâu các con vẫn nhớ nơi đây là nhà để có thể trở về bất cứ lúc nào”.
Trung tâm đã trở thành ngôi nhà của các con. Ở đây các con được yêu thương, chăm sóc và thấy bình yên, ấm áp trong môi trường giáo dục nhân văn của nhà Phật. Khuôn viên thanh tịnh nơi cửa Phật xen lẫn tiếng cười đùa, tiếng ê a, bi bô hồn nhiên của trẻ nhỏ, chúng ta tin rằng, các con sẽ được lớn lên trong tình yêu thương bao la của sư thầy Thích Đàm Ngoan cùng các bảo mẫu, các anh, chị em dưới mái nhà chùa Hồi Long. Để là điểm tựa ấm áp, che chở, nuôi dạy các con, sư thầy Thích Đàm Ngoan đã nỗ lực không mệt mỏi, làm đủ thứ việc kiếm tiền nuôi đàn con của mình.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: LÊ MINH ANH