Có tiền thưởng theo NĐ 73, thầy cô phấn khởi vì thêm tiền trang trải dịp Tết

Có tiền thưởng theo NĐ 73, thầy cô phấn khởi vì thêm tiền trang trải dịp Tết
2 ngày trướcBài gốc
Trước đây, niềm vui ngày Tết của giáo viên công lập ở nhiều nơi vùng cao thường đến từ những món quà nhỏ của công đoàn nhà trường và sự sẻ chia của các ban ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm vì không có thưởng Tết hay lương tháng thứ 13 như nhiều ngành nghề khác. Năm nay, chế độ tiền thưởng theo nghị định 73/2024/NĐ-CP được triển khai, giáo viên có thêm tiền thưởng cuối năm. Đây là nguồn động viên tinh thần quý giá, giúp các thầy cô vững tâm gắn bó với nghề trong mùa xuân mới.
Thầy cô phấn khởi
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bế Minh Xuyến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Bắc La (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) vui mừng cho biết, hiện tại nhà trường đang trong quá trình lên kế hoạch, triển khai thực hiện theo hướng dẫn về việc khen thưởng giáo viên theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP. Với quy định mới này, giáo viên tại trường sẽ có thêm khoản tiền thưởng cuối năm, có thể đón một cái tết đầy đủ, no ấm.
Trước đây, các hoạt động Tết dành cho giáo viên cũng không nhiều. Thông thường, việc chăm lo Tết chủ yếu do công đoàn nhà trường và công đoàn ngành thực hiện. Ở các trường công lập, không có khoản thưởng Tết như tại doanh nghiệp hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Thay vào đó, giáo viên sẽ nhận được những phần quà nhỏ mang tính chất động viên tinh thần nhân dịp Tết đến xuân về.
Nguồn quà này chủ yếu từ quỹ công đoàn, do các giáo viên đóng góp trong năm học. Số tiền hỗ trợ phụ thuộc vào ngân sách của từng công đoàn trường: có nhiều thì trao nhiều, có ít thì trao ít vì còn phải cân đối cho các hoạt động khác. Cuối năm, công đoàn ngành cũng trao quà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều nhận được. Ngoài ra, công đoàn còn tổ chức các hội chợ với giá ưu đãi và kêu gọi các ban ngành, tổ chức tặng quà động viên thầy cô.
Cô Xuyến bày tỏ: “Ai cũng mong có thêm thu nhập để trang trải dịp Tết, dù chỉ là khoản nhỏ. Nhưng thực tế, học sinh ở đây còn nhiều khó khăn, nhà trường cũng thiếu kinh phí. Vì vậy, trước đây dù chỉ nhận được những phần quà nhỏ từ công đoàn, các thầy cô vẫn rất vui.
Năm nay, với quy định mới, nhà trường đang cố gắng triển khai kế hoạch và chưa có con số cụ thể về mức thưởng của giáo viên nhưng chắc chắn tiền thưởng cuối năm sẽ có phần khá hơn những năm trước. Thu nhập của giáo viên được tăng thêm, bên cạnh đó lại có thêm khoản thưởng, giáo viên trong trường đều rất phấn khởi và vui mừng”.
Vì đang trong quá trình tổng kết học kỳ I nên nhà trường còn vướng nhiều công việc tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, nhà trường sẽ sớm hoàn thành kế hoạch và chi trả lương, thưởng giáo viên trước Tết âm lịch, nữ hiệu trưởng cho biết thêm.
Học sinh Trường Tiểu học xã Châu Sơn (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NVCC.
Cô Vi Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Châu Sơn (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) cũng cho hay, hiện tại, nhà trường đang lên kế hoạch cụ thể cho Tết. Năm nay, thực hiện theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, dự kiến mức thưởng cuối năm của các thầy cô cũng sẽ có chuyển biến so với năm trước. Điều này tạo động lực rất lớn đến các thầy cô trong toàn trường.
Chia sẻ về việc chăm lo đời sống Tết cho giáo viên trong những năm trước đây, cô Hằng cho biết, nhà trường cố gắng động viên thầy cô bằng những phần quà như bánh kẹo hoặc hỗ trợ thêm kinh phí để các thầy cô chủ động chi tiêu. Mức hỗ trợ thường dao động từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, cao nhất là 1 triệu đồng, tùy vào nguồn kinh phí tiết kiệm được từ chi thường xuyên của nhà trường. Để có được mức hỗ trợ này, nhà trường đã rất nỗ lực tiết kiệm chi tiêu trong suốt năm học.
Giáo viên Trường tiểu học xã Châu Sơn (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn còn nhận được sự quan tâm từ công đoàn ngành giáo dục địa phương thông qua các hoạt động chăm lo Tết. Công đoàn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ dành cho giáo viên, công nhân viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Các học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi... cũng được nhận quà và hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động tỉnh và ngành giáo dục tỉnh. Nhà trường lập danh sách đề xuất để các ban ngành, đoàn thể xét chọn hỗ trợ. Tùy vào nguồn kinh phí của từng đơn vị tặng quà, mỗi trường sẽ có từ 1-2 giáo viên hoặc học sinh được nhận hỗ trợ, không phải giáo viên nào cũng được nhận.
Năm nay, với quy định theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, các thầy cô sẽ có một khoản thưởng cuối năm đúng nghĩa. Thầy cô rất vui mừng và kỳ vọng nhiều vào khoản thưởng này. Hiện tại, nhà trường đang trong quá thực hiện và chưa có mức thưởng cụ thể vì phải chờ hoàn tất các khoản chi thường xuyên và cân đối tài chính. Từ nay cho đến Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ cố gắng hoàn tất chi trả lương, thưởng theo đúng thời gian quy định”, vị hiệu trưởng chia sẻ.
Hoạt động đón Tết ý nghĩa vùng cao
Chia sẻ thêm về các hoạt động Tết tại địa phương, cô Vi Thị Hằng cho biết, Liên đoàn Lao động huyện đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động trên địa bàn, trong đó có giáo viên các trường học. Nhà trường lập danh sách các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn gửi về Liên đoàn để xét duyệt và trao tặng quà Tết.
Những năm gần đây, Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ giáo viên bằng hình thức tặng thẻ mua hàng 0 đồng hoặc các thẻ mua hàng trợ giá. Mỗi thẻ có giá trị khoảng 500.000 đồng, giúp giáo viên chủ động lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu. Giáo viên có thể sử dụng thẻ trên các gian hàng online, chọn mua các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi.
Năm ngoái, cô Hoàng Thị Loan, một giáo viên của trường, là một trong những người được nhận hỗ trợ này. Gia đình cô Loan có hoàn cảnh khó khăn, chồng của cô làm lao động tự do không ổn định và từng gặp tai nạn phải nằm viện dài ngày. Là trụ cột chính trong gia đình, cô Loan phải đảm bảo chi phí nuôi hai con nhỏ đang học tiểu học. Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại từ nhà đến trường - quãng đường hơn 50km, cô Loan thường ở lại trường và chỉ về nhà vào cuối tuần.
Xét thấy hoàn cảnh của cô Loan khó khăn hơn so với các đồng nghiệp, nhà trường quyết định dành phần quà Tết từ Liên đoàn Lao động cho cô. Dù giá trị không lớn, những món quà này đã phần nào giúp gia đình cô Loan có một cái Tết ấm cúng hơn. Đây cũng là sự động viên thiết thực đối với giáo viên vùng khó khăn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc từ các cấp, ban ngành địa phương.
Những món quà Tết tuy nhỏ nhưng vô cùng quý giá, là sự động viên kịp thời giúp các thầy cô, đặc biệt những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, thêm động lực gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, học sinh của trường cũng nhận được sự quan tâm từ các đơn vị và nhà hảo tâm. Dịp Tết năm ngoái, 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 5 triệu đồng.
Các học sinh Trường Tiểu học xã Châu Sơn nhận quà Tết năm 2024. Ảnh: NVCC.
Trường Tiểu học xã Châu Sơn thuộc địa bàn xã khó khăn, nơi vẫn còn nhiều học sinh hộ nghèo và giáo viên gặp khó khăn, một số thầy cô có hoàn cảnh neo đơn, vợ hoặc chồng không có việc làm ổn định; nhiều giáo viên còn phải công tác xa nhà. Dù đã có một số chính sách hỗ trợ phần nào, nhưng cuộc sống của các thầy cô và các học sinh vẫn còn nhiều vất vả.
Cô Hằng mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền, đoàn thể sẽ tiếp tục triển khai thêm những chương trình ý nghĩa dịp Tết. Việc động viên, hỗ trợ thầy cô và học sinh, đặc biệt thông qua các phần quà Tết hay các chính sách phúc lợi cuối năm, sẽ giúp giáo viên yên tâm công tác và học sinh an tâm học tập trong năm mới.
Trong không khí Tết đến gần cũng là lúc các hoạt động ý nghĩa, mang đậm bản sắc truyền thống được tổ chức tại các trường học, góp phần tạo sân chơi bổ ích và khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh.
Các hoạt động làm bánh Tết cho học sinh. Ảnh: NVCC.
Năm nào cũng vậy, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Tiểu học xã Châu Sơn tổ chức hoạt động trải nghiệm làm bánh truyền thống cho học sinh. Thời điểm này thường rơi vào giai đoạn sau khi kết thúc học kỳ I, khi các em học sinh đã hoàn thành kỳ thi và có thể “xả hơi” sau những ngày học tập căng thẳng. Đây cũng là lúc không khí Tết tràn ngập khắp mọi nơi, tạo nên niềm háo hức và tinh thần vui tươi trong nhà trường.
Dự kiến năm nay, hoạt động trải nghiệm ý nghĩa này vẫn sẽ được duy trì. Các em học sinh sẽ được hướng dẫn làm những loại bánh truyền thống của dân tộc như bánh chưng, bánh dày, hay các loại bánh đặc sản của địa phương. Không chỉ mang tính giáo dục cao, hoạt động này còn giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa của từng loại bánh trong dịp Tết, trân trọng những giá trị văn hóa dân gian và vun đắp tình yêu với quê hương, đất nước.
Sau kỳ nghỉ Tết, không khí lễ hội tiếp tục được duy trì với hoạt động “Chợ Tết” hay “Chợ Quê” ngay tại sân trường. Hội chợ có sự tham gia của toàn thể học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo, tạo nên một không gian vui tươi, gần gũi và đậm nét truyền thống. Tại đây, các em học sinh sẽ tự mang hàng hóa để trao đổi, mua bán với nhau, đồng thời người dân địa phương cũng có thể tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Đây không chỉ là dịp để các em học hỏi kỹ năng giao tiếp, trao đổi và mua bán hàng hóa, mà còn giúp gắn kết tình cảm giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng địa phương.
Những hoạt động này không chỉ mang đến niềm vui, sự hào hứng cho học sinh mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong không khí Tết cổ truyền ấm áp.
Thùy Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-tien-thuong-theo-nd-73-thay-co-phan-khoi-vi-them-tien-trang-trai-dip-tet-post247879.gd