Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt hấp dẫn cho năm tài chính 2024.
Xu hướng chia cổ tức tiền mặt ngày càng lan rộng
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 (29.791 tỷ đồng). Ước tính, VIB sẽ chi ra hơn 2.085 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến trình cổ đông tại Đại hội thường niên diễn ra trong tháng 4/2025 phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với tổng tỷ lệ cổ tức 25%, kết hợp cả hai hình thức. Cụ thể, ACB dự kiến chi khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% nhằm tăng vốn điều lệ.
Xu hướng ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt ngày càng lan rộng.
Tương tự, Ban lãnh đạo HDBank (HDB) cũng đã hé lộ kế hoạch trình cổ đông phê duyệt phương án chia cổ tức cho năm 2024 với tỷ lệ tối đa lên đến 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được công bố chính thức tại ĐHĐCĐ sắp tới.
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, trong đó đưa ra kế hoạch chia cổ tức tiền mặt lần đầu tiên kể từ khi niêm yết.
Cụ thể, ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương sẽ dành ra 1.726 tỷ đồng để chia cho các cổ đông.
Nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay cũng như kế hoạch chia cổ tức, nhưng theo dự đoán của giới chuyên gia, nhiều nhà băng sẽ tiếp tục kế hoạch chia cổ tức như đã thực hiện từ năm ngoái.
Chẳng hạn như Techcombank (TCB), lãnh đạo nhà băng này cho biết đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn, dự kiến mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận.
MB (MBB) cũng đã liên tiếp trả cổ tức tiền mặt trong 2 năm gần đây và nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng phương án trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025. Trong năm 2024 và 2023, MB đã dành lần lượt 2.653 tỷ đồng và 2.267 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5%.
Lãnh đạo VPBank cũng từng chia sẻ kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Trong năm 2024, với tỷ lệ chia tiền mặt 10%, ngân hàng này đã chi 7.934 tỷ đồng để chia cho cổ đông.
Trong quá khứ, việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu là rất thường xuyên xảy ra nhưng chia cổ tức bằng tiền mặt thì không. Điều này khiến cổ đông cảm thấy không vui vẻ khi nhận cổ tức mà "tức tận cổ".
Tuy nhiên, kể từ năm 2023, xu hướng này đã thay đổi khi Ngân hàng Nhà nước bỏ chủ trương hạn chế chia cổ tức bằng tiền để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn Covid-19.
Theo đó đã có 6 ngân hàng là VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Trong đó, TPBank và VPBank là hai ngân hàng có cổ tức cao nhất, lần lượt là 9,7% và 5,3%. Mức lợi tức này cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm trên thị trường hiện tại.
Sang năm 2024, theo thống kê, toàn hệ thống đã có 9 nhà băng chia cổ tức tiền mặt. Với tình hình kinh doanh khả quan và vốn điều lệ được gia tăng thời gian qua, dự kiến làn sóng này sẽ ngày càng mạnh mẽ trong những năm tới đây.
Tạo cơ hội cho "cổ phiếu vua"
Có thể thấy các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt là những ngân hàng có nền tảng vốn lớn và được xếp hạng cao về hệ số an toàn vốn. Đây được xem là tín hiệu tích cực về sức khỏe tài chính và sự tự tin vào triển vọng lợi nhuận trong tương lai.
Các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo, với thông tin chia cổ tức hấp dẫn cùng mục tiêu tăng tín dụng 16% của năm nay, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường và giá mục tiêu của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2025.
Các chuyên gia phân tích của VinaCapital kỳ vọng, giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tăng tốt, nhờ triển vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh và mức định giá thấp (P/B là 1,3 lần). Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng riêng lẻ dự kiến sẽ có sự phân hóa rõ nét do những khác biệt về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.
Những ngân hàng có sự chuyển biến tốt lên của tài sản có thể kể đến VPBank, MB, BIDV (BID)… sẽ có nhiều dư địa tăng giá cho cổ phiếu, dù một số mã đã dẫn sóng tăng từ đầu năm 2025 như CTG (Vietinbank), TCB, MBB.
Nhà đầu tư lâu năm Phạm Ngọc (Hà Nam) cho rằng, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp trong năm qua và dự báo khó tăng lên trong năm nay, thì đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng chi trả cổ tức cao và giá không biến động quá nhiều vẫn sẽ thu được lợi nhuận đáng kể.
Theo bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích cổ phiếu tại VPBankS, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt và có triển vọng tăng trưởng tốt trong tương lai. Đồng thời, một số ngân hàng có trả cổ tức tiền mặt đang ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư “ăn chắc, mặc bền” biết tận dụng sức mạnh của lãi kép.
Lãi kép hoạt động dựa trên nguyên tắc "lợi nhuận trên lợi nhuận", nghĩa là nhà đầu tư nhận được lợi tức không chỉ trên số tiền vốn ban đầu, mà còn trên cả số tiền lợi tức đã nhận và được tái đầu tư. Lãi kép là một công cụ sinh lời mạnh mẽ với chi phí thấp.
Nhiều chuyên gia trên thị trường cho biết muốn có được lãi kép, các nhà đầu tư phải lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn bằng tiền mặt. Khoản cổ tức đó sẽ được tái đầu tư vào cổ phiếu đó và tiếp tục sinh lời ở những kỳ nhận cổ tức sau. Để tận hưởng được lãi kép từ khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, sự cam kết về một lộ trình trả cổ tức đều đặn là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý, khi VN-Index chưa bứt phá qua ngưỡng 1.350 điểm, có thể nhóm cổ phiếu “vua” sẽ gặp áp lực chốt lời và dòng tiền có khả năng tìm đến những cổ phiếu có thị giá thấp hoặc chưa tăng. Việc các ngân hàng phát hành cổ phiếu ồ ạt cũng có thể gây pha loãng cổ phiếu và ảnh hưởng thị trường chung khi mà nhóm này chiếm tỷ trọng đến 40% trong VN-Index.
Hải Giang