Thành cổ Quảng Trị đã được viết bằng máu của một thế hệ trai trẻ suốt 81 ngày đêm đầy đau thương, anh hùng và bi tráng.
Người ta bảo rằng nhiều chục năm nay, hoa phượng ở Đông Hà luôn đỏ rực hơn bất cứ nơi nào trên đất nước. Cũng như, nước sông Thạch Hãn vẫn trong một cách lạ lùng.
Từ năm 1970, sinh viên các trường đại học bắt đầu nhập ngũ, vào Nam đánh giặc, gọi là đi B. Đến năm 1971 thì rầm rộ. Năm 1972, khi sự khốc liệt của cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị lên đến đỉnh điểm thì số lượng sinh viên các trường đại học đi bộ đội lên đến hàng vạn người. Hàng vạn tuổi xuân phơi phới...
Những sinh viên Đại học Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Tổng hợp, Sư phạm... xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Họ bơi qua dòng Thạch Hãn để vào trận đánh. Trong ba lô là những cuốn nhật ký mà nhiều trong số đó ở lại mãi mãi tuổi 20.
Ngay sau 81 ngày đêm khốc liệt, trên báo Nhân dân đã đưa những dòng tin: “Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào.
Hơn 50 năm, vẫn còn đây những lá thư làm nghẹn ngào bất cứ ai từng đặt chân đến đây.“Anh thương yêu! Anh có khỏe không, báo tin cho em và con biết với. Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, con đã bỏ bú, đã ăn được cơm cá nên khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Máy bay oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm. Gần đây chúng bắn vào làng và giữa đồng làm một chị bị chết…” – đó là một đoạn trong bức thư của người vợ Phạm Thị Biển Khơi gửi chồng là liệt sĩ Lê Binh Chủng (Cấp bậc Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị) được tìm thấy cùng với hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng cùng 6 người khác dưới một căn hầm bí mật trong khuôn viên Thành cổ. Còn đây là những dòng thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ tư, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): “Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất"… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Họ đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau. Không ai biết chính xác có bao nhiêu các anh, các chị đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng sông Thạch Hãn và dưới những lớp cỏ non Thành cổ, “cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông...”
Năm 1968, Lê Bá Dương - chiến sĩ Trung đoàn 27 của Mặt trận B5, quê ở Nghệ An - được nghỉ một tuần phép. Anh quyết định ghé thăm người mẹ của Nguyễn Hoàng Quế, một người bạn học và là đồng đội của anh vừa hy sinh tại khu vực Gio Linh (Quảng Trị). Người mẹ trong nỗi đau mất con vẫn một lòng nghĩ đến ngày toàn thắng, thả xuống mặt ao một nhành dâm bụt: "Nhờ nước, nhờ sông, mẹ gửi con chút hương hoa. Con ở xa cố nhận cho mẹ yên lòng, Quế nhé!".
Hình ảnh nhành hoa đỏ đã theo Lê Bá Dương đến ngày chiến thắng. Năm 1975, Lê Bá Dương trở về quê thăm lại người mẹ đồng đội và biết tin người mẹ ấy đã không chờ được, mặt ao nhà vẫn còn những bông dâm bụt đỏ.
Lê Bá Dương về lại Quảng Trị từ năm 1976, đồng cảm với suy nghĩ của mẹ bạn, anh thả nhành dâm bụt xuống dòng Bến Hải nhờ sóng nước mang đi. Hành trình của những bông dâm bụt cứ thế hết mùa hè này qua mùa hè khác, hết dòng sông này qua dòng sông khác, từ Bến Hải, sông Hiếu đến Ô Lâu...
Cho tới năm 1981, anh mới bắt đầu chọn sông Thạch Hãn là dòng sông viếng hoa đồng đội. Cũng từ đó, Thạch Hãn trở thành sông của lễ hội hoa vào mỗi năm tháng 7. Ai từng đặt chân đến Thành cổ cũng rơi nước mắt với những câu thơ của chính người lính Lê Bá Dương viết cho đồng đội hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Thành cổ:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Quảng Trị - “khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước”, nơi “mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng”. Nơi ấy, những ngọn gió Lào thổi suốt mùa hè, đời này qua đời khác, “đất đau thương là đất anh hùng”. Tháng 7 năm nay, hàng triệu trái tim lại hướng về Thành cổ, giữa những ngàn lau trắng, giữa ràn rạt gió Lào, nghiêng mình tưởng nhớ các anh – những tuổi 20 đã thành sóng nước. n
Có một câu chuyện cực kỳ cảm động về một người cha đi tìm hài cốt con suốt nhiều năm. Đó là ông Lê Văn Lâm, nguyên biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam. Người con trai yêu quí của ông, Lê Văn Ninh - chàng sinh viên Đại học Bách khoa ngày ấy đã ngã xuống ở Thành cổ Quảng Trị ngày 2/9/1972.
Đồng đội chỉ nhớ đã mai táng anh gần ngã ba Đống Đá trong Thành cổ. Nhưng trong suốt nhiều năm, người cha ấy lặn lội khắp Thành cổ không tìm được hài cốt con. Cho đến tận lúc qua đời, người cha ấy cũng không tìm được.
Người dân ở đây vẫn nhớ, ông già gầy gò năm nào cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, là mang theo những bông hoa tươi, đứng trầm ngâm trên bến sông Thạch Hãn như hóa đá và từ từ, nhẹ nhàng thả xuống dòng sông từng bông, từng bông... Nhiều người bảo rằng giá mà ông có thể gào lên đường, thì biết đâu nỗi đau cũng đỡ được phần nào.
Chiến sĩ Lê Văn Ninh (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trong phút nghỉ ngơi trước khi bước vào trận chiến đấu. Ảnh: TL.
Có lẽ, xương cốt liệt sĩ Lê Văn Ninh cùng hàng ngàn đồng đội anh đã hòa tan vào lòng đất, bên bờ Thạch Hãn. Như trong bức thư mà đồng đội gửi cho ông Lê Văn Lâm để báo tin anh hy sinh: “Trên sắc cờ kiêu hãnh của Tổ quốc hôm nay đang tung bay trên bầu trời xanh thẳm hòa bình, có máu của đồng chí Ninh. Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn những người con đã ngã xuống cho mảnh đất thiêng liêng…”.
Trên đường vào chiến trường, Ninh đã gửi 11 bức thư về cho gia đình. Lá thư ngày 25/5/1972, anh viết trên đường hành quân: “Máy bay địch đánh phá suốt ngày. Con không hề nao núng. Sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn dẻo dai. Tinh thần và nghị lực cao. Càng vất vả gian lao, tinh thần càng thêm vững...”. Ngày 15-7-1972, anh viết thư về: “Đơn vị con vào đến Quảng Trị, đã bắt đầu chiến đấu. Nhân dân thương bộ đội, giúp đỡ bộ đội nhiều”.
Đó lại là lá thư cuối cùng chàng sinh viên khoa Hóa, Đại học Bách khoa để lại. Anh đã không bao giờ trở lại trường, nơi mà buổi tiễn chân lên đường, anh hẹn đánh xong giặc Mỹ sẽ trở lại.
Trước khi qua đời, ông Lê Văn Lâm trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã toàn bộ di vật của liệt sĩ Lê Văn Ninh.
Những linh hồn liệt sĩ như Lê Văn Ninh, một lớp sinh viên tài hoa của Hà Nội ngày ấy, bây giờ đang ở đâu, giữa mảnh đất cát trắng và bời bời gió bên bờ sông Thạch Hãn?
Ngọc Anh