Chạy bộ là gì? Lợi ích của chạy bộ
Tương tự các hình thức tập thể thao khác như đạp xe, tập thể dục tại nhà, chạy bộ cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và vóc dáng. Chạy bộ được chia ra nhiều hình thức như chạy chậm, chạy nước kiệu hoặc thong thả, thoải mái nhưng tốc độ chạy vẫn được duy trì ổn định trong suốt quá trình luyện tập…
Chạy bộ không đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí tử vong.
Chạy bộ là một hình thức vận động cơ thể của bạn và là môn thể dục được mọi người áp dụng nhiều nhất hiện nay. Môn thể thao này giúp bạn:
Nâng cao sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng. Lúc này, cơ thể cũng tiết ra các hormone dopamine giúp tinh thần trở nên phấn chấn hơn và cảm thấy hạnh phúc cũng như nâng cao sức khỏe toàn diện.
Giúphệ hô hấp hoạt động tốt hơn, khỏe mạnh hơn.
Chạy bộ giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh huyết áp.
Tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức mạnh cơ bắp. Đồng thời có thể làm cho các khớp linh hoạt, thúc đẩy tuần hoàn máu và trao đổi chất .
Tăng cường sức mạnh cho khớp xương và cải thiện tim mạch.Chạy bộ giúp tăng cường độ đàn hồi của mạch máu và giảm khả năng vỡ mạch máu.
Giúp cải thiện giấc ngủ. Đốt cháy năng lượng và giảm cân hiệu quả
Mối liên quan giữa nhịp tim và chạy bộ
Tim hoạt động như một máy bơm để bơm máu giàu oxy đi đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Nhịp tim và chạy bộ có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi chạy bộ, nhịp tim tăng lên để đáp ứng nhu cầu oxy cao hơn của cơ thể, đặc biệt là các cơ bắp. Theo dõi nhịp tim trong khi chạy không chỉ giúp đánh giá hiệu quả của buổi tập mà còn giúp người chạy điều chỉnh tốc độ và cường độ sao cho phù hợp với mục tiêu thể lực tránh quá sức hoặc chấn thương.
Nhịp tim chạy bộ bao nhiêu là an toàn?
Ở người trưởng thành, nhịp tim bình thường lúc nghỉ dao động từ 60-100 nhịp/phút.
Ở những vận động viên luyện tập chuyên nghiệp, nhịp tim có thể chậm khoảng 40 lần/phút khi nghỉ ngơi vẫn được xem là bình thường. Nhịp tim an toàn đối với vận động thể lực từ nhẹ đến trung bình bằng 50% đến 70% của nhịp tim tối đa. Còn đối với những vận động thể lực nặng, nhịp tim cho phép khoảng 70-85% nhịp tim tối đa.
Ngưng tim khi chạy bộ là một tình trạng nguy hiểm. Và có thể xảy ra do một số nguyên nhân chính sau:
Bệnh lý tim mạch tiềm ẩn như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim hoặc bệnh cơ tim phì đại... mà chưa được tầm soát.
Rối loạn điện giải.Cơ thể mất nhiều chất điện giải qua mồ hôi khi chạy có thể ảnh hưởng đến hoạt động dẫn truyền trong tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim và ngưng tim.
Tập luyện với cường độ quá cao hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tình trạng ngưng tim cũng có thể do một số yếu tố khác như sử dụng chất kích thích, hoặc các loại thuốc không được chỉ định cho người có vấn đề về tim.
Để ngăn ngừa ngưng tim khi chạy bộ, mỗi người phải có chiến lược tập luyện cũng như phụ thuộc vào sức khỏe, điều kiện sống.
Dự phòng ngưng tim, đột quỵ khi chạy bộ
Để ngăn ngừa ngưng tim khi chạy bộ, mỗi người phải có chiến lược tập luyện cũng như phụ thuộc vào sức khỏe, điều kiện sống. Cụ thể là:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo dõi nhịp tim.
Bổ sung nước và điện giải hợp lí trong quá trình chạy.
Nhận biết các triệu chứng đột quỵ và ngưng tim để sớm phát hiện triệu chứng và cấp cứu kịp thời.
Tập luyện đúng cách từ mức độ nhẹ và từ từ tăng cường độ.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như caffeine, rượu, và tránh ăn uống quá no trước khi chạy.
Khởi động kỹ trước khi chạy và giãn cơ sau khi chạy để giúp cơ thể chuẩn bị và hồi phục, giảm nguy cơ chấn thương và căng thẳng cho tim.
Mặc quần áo rộng rãi thoải mái và mang giày hỗ trợ.
Nếu có một số biểu hiện bất thường như đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở tăng dần, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, căng cơ... nên ngưng chạy và trao đổi với bộ phận hỗ trợ y tế.
Tránh tắm ngay, nên tắm khi kết thúc chạy ít nhất 30 phút.
Bs. Đào Thanh Hải