Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã chủ trì lễ đón trọng thể Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ sáng 1/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Một hành trình bền bỉ
Chuyến thăm lịch sử cấp Nhà nước của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathidle đến Việt Nam trong những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư này làm tôi nhớ lại những ngày đầu tiên sau khi tôi trình Thư ủy nhiệm vào tháng 9/2003.
Một trong những công việc quan trọng nhất của sứ quán là cùng tham gia với các cơ quan liên quan của Bỉ chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Philippe trên cương vị Thái tử kế vị khi ấy. Chuyến thăm đã rất thành công về nhiều phương diện và “se duyên” cho nhiều dự án đầu tư, hợp tác đến tận ngày nay. Việt Nam luôn được Hoàng gia Bỉ dành cho những tình cảm trân quý.
Đại sứ Phan Thúy Thanh được Hoàng gia Bỉ trao tặng Huân chương Leopold Đệ nhị. (Ảnh: NVCC)
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, quan hệ hai bên ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và đang trở thành hình mẫu thành công của mối quan hệ hợp tác Bắc-Nam, bền bỉ, giữa hai quốc gia phát triển và đang phát triển.
Hiện Bỉ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), có hàng trăm dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, cho dù chưa nhiều, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu thu “quả ngọt” khi có được những dự án đầu tư tại ngay chính trung tâm của châu Âu với giá trị nhiều chục triệu USD.
Nếu quay ngược kim đồng hồ, trở lại những năm tháng “ngày xưa” thì chắc chẳng ai trong chúng ta có thể hình dung ra mối quan hệ Việt-Bỉ phát triển sâu rộng và ngoạn mục như ngày hôm nay, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, hợp tác phát triển, văn hóa và giáo dục.
Nhớ lại những năm tháng dài từng công tác tại Bỉ, (1993-1997 và 2003 -2007) tôi càng thấm thía một điều rằng để thúc đẩy quan hệ song phương, cả hai quốc gia đều cần có ý chí chính trị, quyết tâm và thiện chí, mà ở đó, điều quan trọng nhất làm nên sự gắn kết nằm ở yếu tố con người.
Điều này được chứng minh và lý giải bởi việc rất nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo, tầng lớp nhân dân, nhà ngoại giao, nhà khoa học, doanh nhân, lưu học sinh, tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở cả hai nước đã không ngừng nghỉ, dày công vun đắp, xây dựng mối quan hệ Việt-Bỉ. Để ngày nay, hai nước có được mối quan hệ mang tính chất hình mẫu và bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chính nhờ có những “cây cầu nối nhịp” mà trong suốt hơn 50 năm qua, cho dù gặp bất cứ biến cố hay khó khăn nào, cũng như trong bất cứ bối cảnh phức tạp nào của thời cuộc, mối quan hệ Việt-Bỉ vẫn là mối quan hệ chính trị tốt đẹp.
“Mối tình” Việt-Bỉ luôn trụ vững và chưa bao giờ bị “đóng băng”, chưa bao giờ dừng lại mà luôn tiến về phía trước với hợp tác không chỉ ngày càng sâu sắc mà ngày càng có chất lượng, phù hợp với sự phát triển của tình hình.
Vì Việt Nam xứng đáng!
Cội rễ của mối quan hệ bền chặt này, theo cá nhân tôi, được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng lợi ích chung, sự tin cậy lẫn nhau và mong muốn song trùng, đó là cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững và lợi ích của nhau.
Hai quốc gia đều cam kết hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội. Điều này được thể hiện qua nhiều hiệp định và dự án hợp tác lâu dài cho đến nay vẫn phát huy hiệu quả.
Trong lịch sử quan hệ hai nước, Bỉ là một trong những quốc gia đi đầu xóa nợ cho Việt Nam và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như xóa nghèo, giáo dục, y tế, phát triển nông thôn và khoa học công nghệ.
Trong lịch sử quan hệ hai nước, Việt Nam nhiều năm liền là nước châu Á hiếm hoi liên tục được nhận viện trợ hợp tác phát triển của Bỉ, mặc dù chính phủ Bỉ đã có những thay đổi, thu hẹp quy định về viện trợ hợp tác phát triển.
Đây thực sự là cử chỉ thể hiện sự tin tưởng và quý mến mà nước Bỉ dành cho Việt Nam. Bởi lẽ, Bỉ luôn tôn trọng các quy trình làm việc rõ ràng, giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quyết định dựa trên dữ liệu và phân tích khách quan, chú trọng hợp tác quốc tế, duy trì tính trung lập và tìm kiếm những giải pháp hòa bình trong một thế giới không ngừng biến động.
Nếu Việt Nam không xứng đáng, chắc chắn không có vinh hạnh này. Và cũng chính nhờ sự giúp đỡ đó mà nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng đô thị, khoa học và công nghệ đã được triển khai, giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm quản lý hiện đại từ Bỉ, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Nói về cội rễ của mối quan hệ tốt đẹp này, tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng bên cạnh những nỗ lực to lớn từ phía Việt Nam thì điều tôi vô cùng ấn tượng và luôn trân trọng đó là tình hữu nghị, sự đồng cảm và chia sẻ mà Hoàng gia Bỉ, Chính phủ liên bang, các Cộng đồng ngôn ngữ và chính quyền của các Vùng cũng như các Hội đoàn, tầng lớp nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam trong suốt những năm dài mà chúng tôi, những nhà ngoại giao đã có thời kỳ công tác tại Bỉ luôn cảm nhận một cách sâu sắc và rõ rệt.
Tháng năm dần trôi, tôi đã kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Bỉ gần 18 năm nhưng không bao giờ có thể quên những gì mà sứ quán và cá nhân tôi được đón nhận từ tình cảm chân thành, ấm áp của rất nhiều người bạn Bỉ, ở tất cả cấp độ khác nhau, trong những lĩnh vực rất khác nhau.
Sự ấm áp đó có lẽ một phần cũng đến từ sự tương đồng trong tính cách của người dân hai nước, đó là chân thành, cởi mở, siêng năng, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức và luôn cố gắng tìm ra một giải pháp đồng thuận trong mọi hoàn cảnh.
Trong số những người bạn trung thành đó không thể không nhắc đến đội ngũ đông đảo các giáo sư đại học và chuyên gia giáo dục của Bỉ đã có mặt ở Việt Nam từ khi “mái đầu còn xanh”, đến nay đã bước vào tuổi 70, 80 – “tuổi xưa nay hiếm” theo quan niệm của người Việt.
Họ vẫn kiên trì và say mê đóng góp trong việc trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo song phương, hợp tác với các đại học hàng đầu của Việt Nam, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên hai nước có cơ hội học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế, góp phần giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những sự giúp đỡ này đều hết sức vô tư, trong sáng, rất thiết thực và đặc biệt là rất kịp thời.
Bruxelles là nơi có trụ sở của hơn 1.100 đại diện các tổ chức quốc tế, trong đó có NATO và sáu cơ quan của EU, 600 hãng tin quốc tế, 400 cơ quan đại diện ngoại giao, 1.700 đại diện các công ty châu Âu và quốc tế. Đây cũng là nơi các hoạt động ngoại giao, vận động (lobby) và tìm kiếm lợi ích luôn diễn ra sôi động, tất bật.
Tuy nhiên, với Việt Nam, các bạn Bỉ luôn tạo điều kiện cao nhất, trang trọng nhất và thuận lợi nhất cho việc đón, thu xếp hoạt động của rất nhiều chuyến thăm của các đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có các đoàn cấp cao của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Đại sứ Phan Thúy Thanh phát biểu tại sự kiện khai mạc Tháng Việt Nam tại Bỉ năm 2006. (Ảnh: NVCC)
Như người một nhà
Cá nhân tôi không bao giờ quên những nỗ lực và tình cảm đặc biệt của chính quyền Tỉnh Đông Flanders, thành phố Gent khi dành sự quan tâm, giúp đỡ và tài trợ gần như hoàn toàn cho “Tháng Việt Nam tại Bỉ” năm 2006 nhằm quảng bá các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch của Việt Nam.
Cũng trong chuỗi hoạt động đó, tại thành phố Liege (khu vực nói tiếng Pháp), các bạn bè, quan chức địa phương đều cùng anh chị em sứ quán “xắn tay áo” lo cho Lễ hội như người nhà, ăn trưa cùng nhau, thức tối cùng nhau để khu vực các gian hàng của Việt Nam đẹp nhất và thu hút nhất.
Và cũng như thành một thông lệ, cứ mỗi độ Xuân về, vào dịp Tết của Việt Nam, Ban giám hiệu của Trường Trung học Saint Michel (ngôi trường mà thành viên Hoàng gia Bỉ đã từng học), trong đó có Nhà hát Saint Michel cổ kính, ngay tại trung tâm thủ đô Bruxelles, lại dành cho sứ quán Việt Nam cả khuôn viên rộng lớn, đủ sức chứa hơn hàng nghìn người để tổ chức các hoạt động Tết.
Cũng chính tại nơi đây, cố Giáo sư Trần Văn Khê và đoàn Nhã nhạc đã có buổi giới thiệu và trình diễn về Nhã nhạc Cung đình Huế không thể tuyệt vời hơn mà dư âm còn đọng lại mãi như một niềm tự hào của văn hóa Việt Nam tại châu Âu… Những ký ức tốt đẹp về nước Bỉ xinh đẹp cứ kéo dài theo năm tháng và khó mà có thể kể hết chỉ trong một bài viết ngắn.
Nước Bỉ đã trở thành một phần trong hành trình cuộc đời tôi, và dù ở bất cứ đâu, tôi vẫn luôn nhớ về những ngày tháng đáng trân trọng ấy với niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.
Thời gian dài công tác tại Bỉ, không chỉ cho tôi nhiều cơ hội để tiếp xúc, tham gia xử lý những vấn đề đối ngoại, học cách tìm kiếm giải pháp đồng thuận trong đàm phán mà còn là cơ duyên để trải nghiệm và hòa mình vào một nền văn hóa khác, qua đó hiểu và được hiểu, để có thể xây dựng những mối quan hệ chân thành giữa con người với con người, có trong đời những tình bạn bền lâu.
Đại sứ Phan Thúy Thanh