Cởi trói tư duy, khơi thông điểm nghẽn

Cởi trói tư duy, khơi thông điểm nghẽn
5 giờ trướcBài gốc
Thể chế có vai trò nền tảng, quyết định và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực; thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ chất lượng xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bắt nguồn từ cởi trói tư duy
Đất nước muốn bước vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh, phải tháo gỡ, khai thông các điểm nghẽn, đặc biệt là thể chế.
Hiện nay, Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, phát huy nền dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số vào mọi hoạt động của đời sống xã hội; hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bối cảnh này đặt ra thách thức nhưng lại là cơ hội để chúng ta hoàn thiện thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, tạo nền tảng để thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và mục tiêu phát triển đất nước của Đảng.
Cho nên, việc nghiên cứu các điểm nghẽn thể chế và đưa ra các giải pháp đột phá khơi thông để phát triển trong kỷ nguyên mới là rất cần thiết.
Những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế thị trường của nước ta trong gần 40 năm đổi mới vừa qua đều bắt nguồn từ cởi trói tư duy, mở rộng nhận thức để đổi mới thể chế.
Tư tưởng xuyên suốt các đổi mới thể chế này là các quan điểm, chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng được đề ra và thực hiện từ Đại hội 6 cho tới nay.
“Chiếc áo quá chật”
Tuy nhiên, quá trình phát triển đất nước hiện nay, từ tư duy cho đến hoàn thiện thể chế vẫn chậm đổi mới, chưa phù hợp với yêu cầu, bối cảnh của đất nước, của thời đại, đang trở thành lực cản rất lớn, tạo nên các điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển.
Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Cụ thể là hệ thống pháp luật dù đã quan tâm tập trung xây dựng, hoàn thiện, nhưng còn phức tạp, thiếu ổn định, chất lượng thấp, tuổi thọ không cao; nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; tạo ra nhiều bẫy rủi ro về pháp lý, về chính sách, dễ bị hình sự hóa trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi, đã tạo nên “chiếc áo quá chật” và đưa mọi lĩnh vực kinh tế xã hội vào “không gian hẹp” kìm hãm sự phát triển.
Để tháo gỡ, lại sinh ra cơ chế “xin- cho”, các địa phương phải tìm đủ mọi cách để xin Trung ương cho chính sách đặc thù để phát triển. Nhưng khi đặc thù quá nhiều sẽ trở thành không còn là đặc thù nữa.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và chế độ công vụ, công chức cũng có nhiều điểm nghẽn, rất khó triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và Chính quyền địa phương. Việc phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương dù đã thực hiện nhưng vẫn còn nhiều quy trình thủ tục, xin ý kiến, thống nhất,...
Qua các nhiệm kỳ dù tổ chức bộ máy đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhưng vẫn nửa vời, thiếu đồng bộ, tổng thể và toàn diện, còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ dù được tinh gọn nhưng một số vấn đề còn chưa đổi mới. Mô hình chính quyền địa phương chưa thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động, chưa có mô hình thống nhất về Chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, đặc điểm nông thôn và hải đảo, chưa phát huy được vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, vẫn theo mô hình tập quyền của cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Chế độ công vụ, công chức chưa thoát hẳn khỏi chế độ chức nghiệp. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch… vẫn nặng về văn bằng, tuổi tác, thâm niên công tác.
TS. Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển” ngày 11/2. Ảnh: T.H
Việc đánh giá vẫn chưa phân biệt được người có năng lực với người yếu kém. Chưa thực sự và còn loay hoay trong việc chuyển từ chế độ công vụ chức nghiệp sang chế độ công vụ việc làm. Danh mục vị trí việc làm chưa thực sự gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chưa thực sự là căn cứ để đột phá trong đổi mới quản lý cán bộ, công chức.
Tư duy tuyển dụng “suốt đời” gắn với biên chế vẫn “đậm nét” trong quản lý công vụ, chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Tiêu chuẩn công chức vẫn “trăm hoa đua nở”, cơ quan nào cũng được giao quy định tiêu chuẩn, trở nên rất rắc rối, không đảm bảo được tính thống nhất. Từ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức khó được cải thiện và đáp ứng yêu cầu công vụ.
Nguyên nhân những điểm nghẽn nêu trên trong thể chế pháp luật, chính là do tư duy, nhận thức chậm thay đổi so với với yêu cầu thực tiễn.
Là lãnh đạo dù ở cương vị nào cũng đều phải có chủ thuyết. Muốn có chủ thuyết thì phải đổi mới tư duy phù hợp yêu cầu thực tiễn. Tư duy đúng thì mới hành động đúng. Lĩnh vực nào cũng vậy.
Trong bối cảnh hiện nay, tư duy “ngồi im”, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo “lối mòn”, vẫn “bình mới rượu cũ”, vẫn duy ý chí, giáo điều. Rất dễ sa vào tình trạng: giải quyết được điểm nghẽn này thì lại tạo ra điểm nghẽn khác
Bước vào kỷ nguyên mới, tư duy cũng phải “vươn mình”
Muốn xây dựng các “chủ thuyết” phát triển trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng thì tư duy phải thay đổi, phải “vươn mình” theo hướng “đưa cuộc sống vào pháp luật” chứ không phải “đưa pháp luật vào cuộc sống” như trước kia.
Thay đổi tư duy, điều đầu tiên phải loại bỏ hết các dấu ấn tư duy kế hoạch hóa tập trung trước đây để chuyển sang tư duy thị trường, tư duy hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.
Mặc dù hiện nay quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đã cơ bản có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường nhưng còn nhiều dấu ấn tư duy trước đây không còn phù hợp nữa, vẫn đang tồn tại, tạo ra các điểm nghẽn rất khó khơi thông.
Thể chế pháp luật còn các điểm nghẽn trong xây dựng nền công vụ, với yếu tố con người. Theo đó, phải thật sự coi yếu tố con người là trung tâm, là gốc rễ. Bởi lẽ, việc xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy và chế độ công vụ đều do con người đề xuất, tham mưu và thực hiện.
Cải cách hành chính đến nay, đã hơn 30 năm (cải cách hành chính tiến hành từ đầu những năm 1990) nhưng vẫn mãi lấy “thủ tục hành chính” làm khâu đột phá, mà chưa thực sự quan tâm đến yếu tố con người. Khi đã thiếu tư duy đột phá, thì không thể đưa ra được các giải pháp đột phá để có một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Đối với Chính phủ, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Chính phủ trong kinh tế thị trường nên chưa thể hoàn toàn đoạn tuyệt với tư duy: “Chính phủ có thể làm hết tất cả mọi việc”, “Chính phủ lo từ cái kim, sợi chỉ”. Để từ đó, thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp theo hướng “Chính phủ nhỏ, Xã hội lớn”; “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”.
Việc của địa phương phải để địa phương quyết, thực hiện và chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương với chính quyền địa phương.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 12-19/2 để xem xét thông qua nhiều nội dung liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Chính phủ và Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Trong quản trị quốc gia, thể chế pháp luật cũng chưa thể hiện tư tưởng và đưa vào các quy định để thật sự phát huy được sức mạnh, nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong việc tham gia vào đổi mới, sáng tạo, hoạch định chính sách, tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện các dịch vụ công.
Do đó, Chính phủ phải mạnh dạn hơn, chuyển giao các dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện. Đấy cũng là thực hiện xu hướng “Chính phủ nhỏ nhưng mạnh”.
Vì vậy, cần các giải pháp đột phá “khai thông” trong việc xây dựng pháp luật để đất nước phát triển, nhằm đạt mục tiêu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra: Tinh- Gọn- Mạnh- Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa 15 khai mạc hôm nay sẽ thông qua 4 dự thảo luật: Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi và Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật sửa đổi.
Dư luận tin tưởng rằng, việc xây dựng pháp luật sẽ có nhiều đổi mới về quy trình, thủ tục, phương pháp tiến hành, .... để nâng cao chất lượng, “tuổi thọ” và rất ít phải sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, vấn đề phân quyền, phân cấp giữa Quốc Hội và Chính phủ với Chính quyền địa phương sẽ quy định đầy đủ, rành mạch hơn. Trong đó, những việc của địa phương sẽ được giao cho địa phương quyết định, thực hiện và chịu trách nhiệm.
Đây có thể được coi là khởi đầu của việc tháo gỡ, khơi thông thể chế - “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, góp phần tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh.
TS.Trần Anh Tuấn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ky-hop-bat-thuong-khoi-dau-thao-go-diem-nghen-cua-diem-nghen-2370518.html