Lửa cháy rừng bùng phát dữ dội, thiêu rụi nhiều ngôi nhà ở khu vực Pacific Palisades, Los Angeles (Mỹ) ngày 7/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân Nam California từ lâu đã tin rằng các thảm họa ở đây hiếm khi nghiêm trọng như vẻ bề ngoài. Hạt Los Angeles rộng lớn đến mức cả tiểu bang Delaware và Rhode Island có thể nằm gọn trong đó. Khi các cuộc bạo loạn ở Los Angeles nổ ra vào năm 1992, người dân Mỹ kinh hoàng trước hình ảnh những ngọn lửa rừng rực trên đường chân trời ở trung tâm thành phố. Nhưng không ai thấy được những con đường yên bình rợp bóng cây jacaranda và những khu ngoại ô thanh bình ở phần còn lại của Nam California.
Lần này thì khác.
Từ sáng 7 đến tối 8/1 (theo giờ địa phương), những cơn cuồng phong kết hợp lửa dữ đã tấn công một khu vực rộng lớn, với diện tích 7.600 km2 và gần 10 triệu dân. Ngọn lửa bùng lên như hỏa ngục đã tàn phá các cộng đồng thuộc mọi tầng lớp xã hội.
Những ngôi biệt thự ở Pacific Palisades, khu vực giàu có của Los Angeles, bị thiêu rụi. Các khu dân cư ở Altadena, cách đó 50km về phía Đông, cũng chung số phận. Người lao động trong các nông trại Sylmar, 40km về phía Bắc, dẫn theo ngựa chạy trốn trong màn đêm đầy lửa. Những cư dân của các khu đô thị mới xây ở Pomona, cách đó hàng giờ đồng hồ chạy xe, cũng sẵn sàng sơ tán.
Tính đến tối 8/1 (giờ địa phương), các đám cháy đã cướp đi ít nhất 5 mạng người, phá hủy hơn một nghìn công trình, và thiệt hại dự kiến sẽ còn tăng khi gió mạnh thêm vào ban đêm. Một vụ cháy mới bùng lên vào buổi tối đã bao phủ một phần đồi Hollywood. Hơn 80.000 người đã phải sơ tán.
Không chỉ là cháy rừng. Dường như cả khu vực đều đang chìm trong biển lửa, khi hàng loạt đám cháy bùng phát đồng loạt ở các khu dân cư trên khắp khu vực. Các đám cháy riêng lẻ kết hợp với biển lửa do gió tạo ra, tạo thành một “siêu thảm họa” đối với người dân Nam California. Tro bụi, khói, gió và lửa đang tạo ra một cảnh quan mới tàn rụi, không thể kiểm soát.
“Chỉ có thể so sánh cảnh tượng này với một trận động đất lớn. Nhưng động đất thường có tâm chấn. Còn cảnh này thì ở khắp mọi nơi”, ông Zev Yaroslavsky, 76 tuổi, người từng phục vụ nhiều năm trong hội đồng thành phố Los Angeles nói.
Đám cháy ở Pacific Palisades không chỉ thiêu rụi những ngôi nhà của người nổi tiếng, mà còn phá hủy cả những cơ sở hạ tầng của một thị trấn nhỏ với dân số tương đương Pottstown, Pennsylvania.
Palisades có thu nhập hộ gia đình trung bình là 155. 000 USD, gần gấp đôi mức trung bình của Hạt Los Angeles. Căn nhà nơi ngọn lửa đầu tiên được báo cáo có giá trị ước tính khoảng 4,5 triệu USD. Các bất động sản đắt đỏ hơn, nổi tiếng, nằm trên các sườn đồi, thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt như Tom Hanks và Steven Spielberg. Bất động sản của Sugar Ray Leonard hiện đang được rao bán với giá gần 40 triệu USD.
Trong khi đó, nhiều ngôi nhà cũng bị thiêu rụi ở khu vực Highlands khiêm tốn, được xây dựng từ thập niên 1970, 1980 cho những người nghỉ hưu và đơn thân.
Lửa cháy rừng bùng phát dữ dội, thiêu rụi nhiều ngôi nhà ở khu vực Pacific Palisades, Los Angeles (Mỹ) ngày 7/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Những cộng đồng quanh Thung lũng Eaton, cách 1 giờ lái xe về phía Đông, lại đại diện cho một vùng Nam California hoàn toàn khác. Trung tâm của khu vực này là Pasadena, nơi có dân số hơn 133.000 người, là điểm đến của tầng lớp trung lưu và trung thượng lưu của khu vực.
“Đây là trận cháy thứ tư mà tôi từng trải qua, và là lần duy nhất chúng tôi phải rời đi. Đây là trận cháy tồi tệ nhất mà tôi từng thấy”, bà Muffie Alejandro, 74 tuổi, chia sẻ.
Sylmar lại là một Los Angeles hoàn toàn khác: xa xôi và gồ ghề, nằm về phía bắc trong Thung lũng San Fernando, nổi tiếng với những vườn ô liu. Nơi đây có khoảng 80.000 cư dân, trong đó 3/4 là người gốc La-tinh. Sylmar thường xuyên phải đối mặt với các vụ cháy. Một trận cháy rừng vào năm 2008 đã phá hủy gần 500 ngôi nhà. Công viên khu vực cộng đồng El Cariso được xây dựng để tưởng nhớ các đội cứu hỏa đã hy sinh trong vụ cháy năm 1966.
Trong tuần này, những phiên bản "thiên đường" đó ở Nam California đã cùng trải nghiệm một nỗi kinh hoàng.
"Có một loại thần chú rằng khi gió thổi, Los Angeles sẽ cháy", D.J. Waldie, 76 tuổi, một nhà sử học đã viết nhiều về Nam California và là cư dân lâu năm của vùng ngoại ô Lakewood của Los Angeles, cho biết. “Lần này điều đó lại đúng, nhưng có cảm giác điềm gở hơn".
Thảm họa này, ông Waldie nói, đã đến đột ngột, ở khắp mọi nơi, và dường như chỉ hứa hẹn thêm nhiều thảm họa khác: “Tôi nghĩ rằng người dân Los Angeles đang tự hỏi: ‘Chuyện này sẽ tiếp diễn mãi mãi sao? Và rồi chúng ta sẽ ra sao?’”
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT)